Nghiên cứu mới về Kinh đô Hoa Lư

Ngày 20-4, tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình và Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học báo cáo kết quả nghiên cứu khảo cổ học năm 2021, tại khu vực di tích cố đô Hoa Lư và vùng lân cận.
 

Xuất lộ những dấu vết kiến trúc gợi mở về quy mô kinh đô

Theo sử liệu văn bản, khu vực này, xưa là huyện Vô Công/Vô Thiết của quận Cửu Chân thời thuộc Hán, là Trường Châu thời thuộc Đường. Cuộc khai quật tại Di tích cố đô Hoa Lư năm 2021, nhằm nghiên cứu tìm kiếm những tư liệu, hiện vật có thể xác định khu vực trị sở huyện lỵ của chính quyền phong kiến đóng tại vùng đất Ninh Bình từ đầu Công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt, làm rõ quy mô, vị trí, kỹ thuật xây dựng… của các kiến trúc cung điện thời Đinh - Tiền Lê phân bố ở đây.

Các đại biểu tham quan các di tích xuất lộ trong hố khai quật cạnh đền Vua Lê

Các hố khai quật tại khu vực Di tích Cố đô Hoa Lư đã làm xuất lộ các lớp kiến trúc thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê nằm chồng xếp lên nhau, nền kiến trúc và lớp nền, móng kiến trúc thời Đại La.

Qua nghiên cứu so sánh có thể nhận định, nền kiến trúc thuộc thời Đại La, có niên đại trước thế kỷ 10 cho đến giai đoạn tu sửa, tôn tạo kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê.

Tại khu vực hố khai quật ở cánh đồng Nội Trong, phía nam Đền Vua Đinh đã làm lộ ra nền móng kiến trúc dùng cát sỏi laterite màu nâu sẫm trộn cùng đất và vỏ nhuyễn thể, trên bề mặt rải đầm thêm các mảnh gạch ngói vỡ vụn đắp trải rộng thành nền kiến trúc cung điện rất cứng chắc.

Thêm những điều thú vị về kinh đô Hoa Lư -0
 Cuộc khai quật đã làm xuất lộ những  dấu vết kiến trúc độc đáo.

Trong phạm vi hố đào phát lộ ba cụm cọc và gia cố cọc gỗ nằm gần thẳng hàng, có cột đường kính hơn 30cm được đóng âm vào sinh thổ đến độ sâu từ 1,8m đến 2,5m tính từ mặt nền kiến trúc. Đây là cột nhà và cột móng kè của kiến trúc nhà cửa, cung điện.

Di vật thu được là các loại gạch, ngói, gốm sứ, sành… gồm nhiều niên đại kéo dài từ thời Hán đến thời Đinh - Tiền Lê. Trong đó vật liệu xây dựng giai đoạn thế kỷ 7-9 có số lượng nhiều nhất.

 
Dấu tích hàng cọc gia cố móng kiến trúc được các nhà khảo cổ học tìm thấy tại kinh đô Hoa Lư.

Từ các di tích kiến trúc và di vật xuất lộ, bước đầu ghi nhận, đây là kiến trúc giai đoạn Đại La, sau đó được nhà Đinh sử dụng lại ở giai đoạn đầu lập quốc.

Từ kết quả đợt khai quật năm 2021, bước đầu cho phép nhận định về quy hoạch chung của kinh thành Hoa Lư, gồm hai khu vực Thành Nội và Thành Ngoại. Hoàng thành nằm ở phía bắc Cấm thành, hiện là khu vực từ Cổng Bắc Di tích Cố đô Hoa Lư đến núi Cột Cờ, có thể là nơi ở của giới tăng lữ, quý tộc và tướng lĩnh cấp cao. Các di tích còn lại là chùa Nhất Trụ có lẽ xưa là nơi ở của các thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Đa Bảo… và các phủ đệ nay là nơi thờ tự.

Thêm những điều thú vị về kinh đô Hoa Lư -0
Dấu tích các lớp kiến trúc xếp chồng lên nhau.


Các đại biểu tham dự Hội thảo tại Hoa Lư

Nhiều minh chứng về sự phát triển văn hóa, kinh tế và chính trị

Kết quả khai quật khảo cổ ở Di tích Cố đô Hoa Lư và các mộ gạch Đền Hạ, Đồi Cò (Nho Quan), Đồi Chùa (Gia Viễn) đóng góp thêm những nhận thức mới về vùng đất Ninh Bình giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên và Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ 10 lịch sử.

Khai quật di tích mộ gạch ven bờ sông Na

Các di tích mộ gạch phân bố quanh ngã ba sông Bôi - sông Hoàng Long từ đầu Công nguyên cho đến các dấu tích di tích, di vật thời Đại La ở Cố đô Hoa Lư đều ghi nhận vùng đất Ninh Bình xưa đã được các triều đại phong kiến phương Bắc quan tâm xây dựng từ rất sớm. Kết quả khai quật bước đầu ghi nhận, đây là những ngôi mộ thời Đông Hán. Mộ gạch là minh chứng cho trình độ phát triển không chỉ về văn hóa, kinh tế mà còn cả về mặt chính trị. Những tư liệu về mộ gạch mới được khai quật góp phần làm phong phú thêm bức tranh lịch sử, văn hóa, xã hội vùng đất Ninh Bình trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Điều này có thể lý giải cho sự hình thành và phát triển vượt bậc của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh cũng như việc thành lập và phát triển kinh đô Hoa Lư sau này.

Đợt khai quật đã làm phát lộ nhiều di tích kiến trúc và nhiều di vật phản ánh sinh động công cuộc dựng nước và giữ nước, cũng như đời sống văn hóa cung đình, hé mở phần nào diện mạo của một trị sở hành chính của chính quyền Bắc thuộc và sau đó là kinh thành Hoa Lư ở thế kỷ 10 lịch sử.

Thêm những điều thú vị về kinh đô Hoa Lư -0
Một số hiện vật của cuộc khai quật

Các nhà khoa học tham dự Hội thảo đã thống nhất với đoàn nghiên cứu kiến nghị UBND tỉnh Ninh Bình một số vấn đề:
- Cho phép Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các cơ quan hữu quan tiếp tục khai quật nghiên cứu để có thêm những nhận thức rõ ràng hơn về lịch sử vùng đất Ninh Bình ở giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên và đặc biệt là sự hình thành, phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt với trung tâm là kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ 10.
- Kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ học ở khu vực Di tích Cố đô Hoa Lư đã xác định không gian phân bố của Kinh đô Hoa Lư xưa kéo dài từ Ngòi Chẹm (Cửa Bắc) đến hết khu cánh đồng Nội Trong, tổng diện tích phân bố trong khoảng gần 40ha. Chính vì vậy cần giữ nguyên hiện trạng di tích Cố đô Hoa Lư khu vực từ Ngòi Chẹm đến hết cánh đồng Nội Trong phục vụ nghiên cứu khảo cổ học.
- Hiện nay khu vực cánh đồng Nội Trong đã được giao cho Doanh nghiệp tư nhân khai thác các dự án khác. Do đó Hội thảo nhất trí đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình cho phép Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các cơ quan hữu quan điều chỉnh Bản đồ Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch chi tiết bảo tồn - tôn tạo và phát huy giá trị vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Những tư liệu thu được của đợt nghiên cứu sẽ góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư nói riêng, lịch sử - văn hóa vùng đất Ninh Bình nói chung, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế, phát huy tiềm năng du lịch của Khu di tích Cố đô Hoa Lư và cả tỉnh Ninh Bình nói chung.

Nguyễn Thơ Đình, Ngữ Thiên

 

Thư viện

- Tác giả: George Soulie De Morant - Nxb: Mỹ Thuật - Năm xb: 2023 - Số trang: 381tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đỗ Trường Giang, Đổng Thành Danh, Bá Minh Truyền - Nxb: Thế Giới - Năm xb: 2021 - Số trang: 527tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Viên Như - Nxb: Hồng Đức - Năm xb: 2022 - Số trang: 335tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Vũ Huyễn Trang - Nxb: Thế giới - Năm xb: 2022 - Số trang: 266 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Marcel Bernanose - Nxb: Mỹ Thuật -Năm xb: 2023 - Số trang: 238 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đại úy hải quân Francis Garnier, Nguyễn Minh dịch và chú giải - Nxb: Đại học Sư phạm - Năm xb: 2023 - Số trang: 848 - Khổ: 18.5 x 26.5...
- Tác giả: Trần Minh Nhựt - Nxb: Dân Trí -Năm xb: 2022 - Số trang: 261 - Khổ: 20.5 x 27.5 cm - Bìa: mềm
- Tác giả: Đinh Khắc Thuân - Nxb: Đại học Quốc gia Hà Nội - 2021 - Số trang: 752 tr - Khổ sách: 16x24tr - Hình thức bìa: cứng
- Tác giả: Nguyễn Tuấn Cường - Nxb: Khoa học xã hội - 2020 - Số trang: 522 tr - Khổ sách: 16x24tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 7465043
Số người đang online: 32