Kỹ thuật đắp tường thành Đại La thời Lý-Trần qua nghiên cứu hố khai quật tại Đào Tấn
Tại nút Đào Tấn đầu năm 2013 Viện Khảo cổ học đã khai quật 6 hố với tổng diện tích 600m2. Các di tích xuất lộ trong các hố H1, H2, H3 và H6 cho thấy kỹ thuật đắp La Thành thời Lý và thời Trần góp phần củng cố thêm những nghiên cứu từ trước đến nay về vòng thành này. Theo thứ tự xuất lộ từ trên xuống dưới có những kỹ thuật như sau:
- Lớp đầm/đắp thời Trần
Xuất lộ ở lớp 2 của các hố khai quật với các mảnh ngói, mảnh sành được đầm vụn trong đất thịt pha sét mịn, màu nâu đỏ. Trong đó, các loại vật liệu được đầm vụn ở phía dưới chân tường thành tạo thành bề mặt phẳng rộng 1,2m, dày khoảng 25cm. Trong lớp đầm này đa số là mảnh ngói phẳng, màu đỏ, sành mịn và một số mảnh gốm men. Đồ gốm và sành có niên đại thời Trần. Tuy nhiên, có một số mảnh gốm men Trung Quốc, thời Tống. Trên lớp vật liệu này được đầm/đắp bằng đất phù sa pha sét màu nâu đỏ tạo thành taluy lên tới mặt trong của tường thành. Phần đất này còn để lại nhiều dấu vết cho thấy người xưa chuyển đất thành từng khối lớn 30x40cm và đắp ập vào tường thành. Cách này khác hẳn việc đầm đắp của thời Lý được trình bày dưới đây. Qua địa tầng các hố ở khu vực Đào Tấn chúng tôi nhận thấy, lớp đầm đắp thời Trần chỉ có ở phía trên và ở mặt trong của đê.
- Lớp đầm/đắp thời Lý
Tường La Thành đầm/đắp thời Lý xuất lộ trong các hố khai quật với phần trên là tường đất dùng kỹ thuật đầm chân cừu và phần dưới là tường đất được đầm/đắp không dùng kỹ thuật đầm chân cừu. Phần tường trên xuất lộ ở độ sâu từ -280cm đến -500cm (so với mốc 0 giả định). Đây là phần lõi tường thành bằng đất được đầm chặt thành nhiều lớp mỏng mỗi lớp dày khoảng 5 – 10cm (phía trên dày 10cm, càng xuống dưới lớp càng mỏng chỉ khoảng 5 – 7 cm). Người xưa đã dùng dụng cụ đầm có nhiều núm đinh gần tròn khi đầm để lại các lỗ rỗng với độ dài đinh khoảng 2cm, đường kính từ 2,2 – 3,4cm, lớp đất đầm tiếp theo đất trám vào vị trí các lỗ rỗng đó tạo sự liên kết rất chặt giữa các lớp đất đầm (ngành Xây dựng gọi là kỹ thuật đầm chân cừu). Khi tách các lớp đầm ra chúng tôi phát hiện bề mặt các lớp đều có một lớp tro đen rất mỏng cho thấy tro thực vật đã được dùng để tránh chống dính khi đầm. Đất trong tường đầm là đất phù sa pha sét mịn màu nâu đỏ được chọn lọc và nhào trộn rất kỹ nên đến nay không hề có vết nứt ngang trong thân đê. Dựa theo vết tách tự nhiên khi đất khô và dấu đinh đầm để lại, từ độ sâu -317 đến -500cm (dày 1,83m) tách ra được 23 lớp đầm.
Phần tường dưới là lớp đất đắp lõi thành có mặt cắt ngang gần hình thang với chiều rộng ngang thân thành khoảng 9m, dày hơn 1m. Đất trong lớp này được chọn lọc rất kỹ nên không hề lẫn vật liệu hay đá sỏi, là loại sét vàng loang lổ, đầm chặt. Không thấy sử dụng kỹ thuật đầm có dấu đinh. Mặt trong lớp đất được đặt gỗ kè vuông vức, nhưng mặt ngoài lại được đắp vát chéo xuống.
Các lớp đầm đắp La thành thời Lý tại hố khai quật Đào Tấn
Phân tách giữa hai phần tường có hai móng sỏi chạy dọc hai bên tường thành. Hai móng sỏi xuất lộ dưới lớp đất đầm chân cừu cuối cùng, móng được đào sâu vào lớp tường dưới trước khi dổi sỏi vào đầm. Khoảng cách giữa hai đường sỏi hai bên lõi tường thành khoảng 8,4m. Vật liệu đầm trong di tích này là cuội sông trộn với đất phù sa pha sét mịn màu nâu làm kết dính. Cuội có nhiều kích thước khác nhau, to nhất 3x4cm, trung bình 3x2cm, nhỏ 1x0,5cm. Lớp sỏi được dải/đầm có chiều rộng 50 – 52cm và dày 10cm. Về phía đông của đường sỏi phía trong thành có hàng cọc gỗ đóng với khoảng cách từ tâm cọc nọ đến cọc kia là 95cm, rộng nhất là 105cm, ngắn nhất 85cm. Các lỗ cọc để lại với đường kính phổ biến 14cm, to nhất 23cm.
Trong lớp sỏi cũng như phần tường đất đầm chân cừu bên trên, thi thoảng có mảnh gốm thô, sành, ngói cong thời Đường và thời Lý. Phần tường bên dưới đất không hề có hiện vật.
La thành tuyến đê Bưởi mang hai tính chất vừa là đê ngăn nước vừa là thành quân sự vì vậy khi đắp thành người xưa đã xử lý đất rất kỹ để đáp ứng cả hai mục tiêu này và cho đến nay trong thân đê vẫn không hề có những vết nứt ngang. Việc xây dựng La thành thời Lý đã rất quy chuẩn với kỹ thuật đầm nén kỹ lưỡng, thành được đắp cao. Đến thời Trần La thành được bồi đắp thêm ở mặt trong cho rộng mặt thành và thêm vững chắc.
Việc đầm đắp tường thành thời Lý và thời Trần trên tuyến đê Bưởi khá thống nhất. Các dấu tích như đã trình bày trên đây còn được phát hiện trong các hố khai quật tại nút giao thông Đội Cấn giao với đê Bưởi.
Josdar (NPHM 2013)