Khám phá xác ướp người Việt

Khám phá xác ướp người Việt

 

 

Việt Nam là một trong những quốc gia tìm thấy nhiều xác ướp. Xung quanh những ngôi mộ có xác ướp thường được gắn liền với câu chuyện đầy huyền bí và được cho là những nơi chứa nhiều của cải.

alt

Nguyên tắc chung là yếm khí

Tất cả các mộ có xác ướp được khai quật tại nước ta đều có đặc điểm chung là “trong quan, ngoài quách”. Các mộ táng thường được xây sẵn bằng những khối gạch đá, sau đó đặt quan tài xuống và xây kín lại. Các quan tài thường được ghép mộng, riêng ván thiên được đóng đinh rất chắc chắn. Quan tài phần lớn được làm từ gỗ sa mộc -  một loại gỗ rất tốt có xuất xứ từ những vùng biên giới của nước ta.

Trong các mộ thường có 1 tấm ván khá đặc biệt được gọi là ván thất tinh. Ván bao gồm 7 lỗ, được bố trí theo hình chòm sao thất tinh. Dưới chiếc ván này thường được rải chè hoặc gạo rang. Phía trên ván thất tinh là thi hài. Các xác ướp thường được mặc rất nhiều lớp áo, có xác mặc tới 25 lớp áo hoặc quấn thêm chăn. Các xác ướp được tìm thấy đều được chèn hàng chục chiếc gối bông xung quanh. Dưới tấm ván thiên thường được phủ một tấm vải liệm thêu kim tuyến tên, tuổi và chức danh người chết.

Các xác ướp đã khai quật đều cho thấy có chứa một loại dầu thơm nên các xác ướp thường trong tình trạng sũng loại nước dầu này. Có ý kiến cho rằng đây là dầu thông vì khi mới bật nắp quan tài ra, các mộ có xác ướp thường toả ra một mùi thơm đặc biệt giống mùi dầu thông. Tuy nhiên, việc đây có phải là dầu thông hay không thì chưa có ai khẳng định và các nhà khoa học Việt Nam thì vẫn chưa có kết luận cuối cùng về loại dầu này.

Không mộ nào có vàng bạc

Theo các nhà khảo cổ học thì trong tất cả những mộ có xác ướp đã khai quật tại nước ta thì không thấy bất cứ ngôi mộ nào có chứa vàng bạc, châu báu hay các đồ tuỳ táng có giá trị vật chất cao. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Viện Khảo cổ học), dù phần lớn xác ướp tìm thấy đều là quan lại, vua chúa hay người giàu có nhưng thường chỉ chôn theo những đồ dùng rất đơn giản. Có mộ chôn theo một túi đựng trầu cau, có mộ lại chôn theo 1 cuốn sách kinh, có khi lại là một túi đựng những chiếc răng đã rụng khi còn sống...

PGS.TS Nguyễn Lân Cường còn nhớ như in câu chuyện liên quan đến chiếc túi đựng răng trong lần đào mộ xác ướp tại khu vực vườn đào (quận Tây Hồ - Hà Nội). Vốn có kinh nghiệm trong việc đào những ngôi mộ cổ, khi phát hiện ra chiếc túi nhỏ, ông cẩn thận cất đi vì nếu mở tại chỗ có thể sẽ làm hỏng mất chiếc túi. Vậy là nhiều người dân xung quanh đồn đoán ông giấu đi vì trong túi chứa đồ vật giá trị.  Việc này được nhiều người truyền tai nhau đến nỗi nhà khảo cổ học có hơn 40 năm tuổi nghề này phải tổ chức hẳn một buổi nói chuyện tại quận Tây Hồ để trình bày, giải thích và chiếu lại toàn bộ hình ảnh quá trình bóc gỡ chiếc túi. Thực tế trong túi chỉ có...những chiếc răng!

Cũng trong xác ướp trên, các nhà khảo cổ tìm thấy một nhành cây nhỏ được nhét trong các lớp áo. Nhành cây này được TS Ngô Văn Trại (Viện Dược liệu) xác định là cây quỷ châm thảo - một loại cây có tác dụng chữa bệnh về răng. Với sự xuất hiện chiếc túi đựng răng (người xưa quan niệm về việc chôn cất phải toàn vẹn cơ thể) và nhành cây quỷ châm thảo trong ngôi mộ, PGS.TS Nguyễn Lân Cường phán đoán người chết có thể mắc bệnh về răng lợi nên gia quyến muốn “gửi” thuốc để chữa bệnh.

PGS Nguyễn Lân Cường cho biết, nếu có tiền bạc trong các mộ xác ướp thì cũng chỉ là một vài đồng xu được gia đình thả vào miệng người chết chứ hoàn toàn không có tiền bạc của cải mang theo.

alt


Thực hư những chuyện về xác ướp

Nhiều người quan niệm rằng các mộ có xác ướp đều là “mộ độc”, nếu động vào sẽ bị bệnh tật hay gặp các tai ương mà chỉ có thế giới tâm linh mới giải thích được. Nhưng PGS Nguyễn Lân Cường khẳng định, đó chỉ là do người ta thêu dệt nên.

Nhưng ông cũng khẳng định, luồng khí trong mộ đương nhiên là không tốt, khí ở các mộ xác ướp càng không tốt vì bị bịt kín. Chính bản thân ông, sau mỗi lần khai quật mộ xác ướp cũng mất mấy ngày mệt mỏi, chán cơm. Có lần, sau khi khai quật, PGS Cường đưa quần áo và vải vóc của xác ướp về Viện 69 để nghiên cứu. Hôm sau đến làm việc, ông thấy muỗi trong căn phòng chứa số quần áo, vải vóc đó chết hết. Ông cho biết, khi mới bật ván thiên các xác ướp đều toả mùi thơm. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau thì cái mùi thơm ấy biến mất, nhường chỗ cho một thứ mùi cực kỳ kinh khủng. Quá trình này diễn ra đồng thời với việc ôxy xâm nhập. Ban đầu, các xác ướp thường có màu của da người tái nhợt như xác chết trôi sông nhưng khi có tiếp xúc với ôxy sẽ chuyển ngay sang màu đen sạm. Đây là một hiện tượng hết sức bình thường của quá trình ôxy hoá.

Một số người quan niệm “động” vào xác ướp là động tới thế giới tâm linh. Nhưng PGS Cường vẫn thường nói vui: “Nếu thánh có “vật” thì đã “vật” tôi rồi!”. Không chỉ tham gia khai quật các mộ có xác ướp mà PGS Nguyễn Lân Cường còn khai quật khoảng 800 ngôi mộ cổ khác. Ông cho rằng đây hoàn toàn không phải là chất độc như người ta vẫn nghĩ. Bản thân ông đã tham gia đào khá nhiều mộ xác ướp nhưng ông vẫn thấy rất khoẻ mạnh và không bị mắc bệnh tật gì.

PGS Nguyễn Lân Cường cho rằng, việc các nhà khảo cổ tham gia khai quật các xác ướp đều là việc tốt. Các mộ có xác ướp ở nước ta được tìm thấy phần nhiều đều đã bị phá hoặc tìm thấy trong tình trạng phải di rời vì có các công trình mới được xây dựng trên phần đất có mộ. Vì thế, việc các nhà khảo cổ và các nhà khoa học tham gia di chuyển xác ướp đến nơi mới hoàn toàn mang ý nghĩa tốt đẹp. Tất nhiên, PGS Nguyễn Lân Cường cho biết, ông cũng như nhiều nhà khảo cổ khác, trước khi khai quật mộ thì đều làm các thủ tục một cách cẩn trọng.

 

alt

Xác ướp ở miền Bắc tốt hơn miền Nam

Đến nay, Việt Nam đã phát hiện ra khoảng 100 ngôi mộ có xác ướp.  Đã có 52 ngôi mộ được đào lên. Số mộ chính thức được khai quật rất ít ỏi vì đa số những ngôi mộ này đã bị phá trước khi các cơ quan chức năng phát hiện ra. Chính vì bị phá nên thông tin và hiện vật thu được từ các mộ cũng ít ỏi. Chỉ có 27 mộ đã khai quật còn quần áo. Các mộ được phát hiện chủ yếu thời Lê và tập trung nhiều ở phía Bắc. Phía Nam cũng rải rác có một số mộ nhưng kỹ thuật ướp xác của khu vực này không tốt nên các mộ phát hiện được hầu như không còn nguyên vẹn. Đa số mộ xác ướp tìm thấy là nam giới, có một số ít mộ là nữ giới, có cả mộ song táng 1 nam và 1 nữ.

 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9021386
Số người đang online: 31