Kết quả sơ bộ khai quật khảo cổ học Đà Nẵng năm 2015

Kết quả sơ bộ khai quật khảo cổ học Đà Nẵng năm 2015

 

 

Thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu khảo cổ học giữa Viện Khảo cổ học và Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng (2015-2020). Năm 2015, 2 cơ quan đã phối hợp thực hiện các công việc nghiên cứu khoa học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, gồm: Khai quật khảo cổ học tại vườn đình Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn); Đào thám sát phế tích tháp Chăm-pa Xuân Dương (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu); và điều tra, khảo sát phế tích tháp Chăm-pa Gò Giản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Kết quả khai quật đã cung cấp thêm các hiểu biết mới, bổ sung các tư liệu mới khẳng định giá trị của các di tích.

  1. Di dỉ vườn đình Khuê Bắc:

Kết quả đã tìm được 03 di tích hố đen, 17 di tích cụm gốm và 4.554 hiện vật, bao gồm: 13 đồng tiền thời Tống và thời Minh, 25 mảnh nhuyễn thể, 207 hiện vật đá (rìu, bôn, bàn mài, hòn kê, bàn nghiền,… và các di vật đá khác: cuội, mảnh đá nguyên liệu, mảnh đá có dấu vết kỹ thuật chế tác, mảnh đá có dấu vết sử dụng. mảnh đá nguyên liệu chế tác đồ trang sức ) và 4.309 hiện vật gốm (4.309 mảnh gốm Sa Huỳnh, 175 mảnh gốm Chăm, 37 hiện vật gốm Việt Nam và 10 hiện vật gốm có nguồn gốc Trung Quốc). Cùng với kết quả khai quật lần 1, năm 2001 cho thấy, Đoàn đã sơ bộ kết luận:

- Tính chất của di chỉ: qua kết quả khai quật năm 2015, so sánh với kết quả khai quật nghiên cứu năm 2001 chúng tôi thấy có tính thống nhất với tính chất của di chỉ như sau: đây là di chỉ cư trú, mộ táng của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, với sự có mặt bàn mài với số lượng lớn trong tổng thể các loại hình công cụ, cùng với các mảnh đá nguyên liệu sản xuất công cụ và đồ trang sức thì khả năng đây có thể còn là nơi chế tác công cụ, trang sức phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần của cư dân.

Hình 1. Rìu vai cân

Địa tầng hố khai quật cho thấy người Sa Huỳnh đã cư trú trên gò đất cao, gần với sông suối, thuận lợi cho việc khai thác các điều kiện tự nhiên phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt, thuận lợi trong việc giao thương với cư dân ở các khu vực khác. Di vật để lại vô cùng phong phú với nhiều loại hình khác nhau, hoa văn trên gốm thể hiện phong phú phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của cư dân.

- Niên đại: gồm 2 lớp văn hóa:

+ Lớp văn hóa 1: bắt đầu từ khoảng thế kỷ 2, và kéo dài liên tục đến thế kỷ 19-20, trực tiếp trên địa bàn cư trú của người Sa Huỳnh.

+ Lớp văn hóa 2: địa tầng hố khai quật và các di tích, di vật phát hiện được cho thấy đây là lớp văn hóa Sa Huỳnh, thuộc giai đoạn văn hóa Long Thạnh, có nhiều nét tương đồng với Bãi Ông (Cù Lao Chàm), Long Thạnh (Quảng Ngãi), niên đại khoảng trên 3000 năm BP.

Đây là di chỉ cư trú điển hình của văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn Đà Nẵng, làm nền tảng cho sự phát triển của các nền văn hóa ở các thời kỳ tiếp theo. Di chỉ vườn đình Khuê Bắc phản ánh bề dày lịch sử văn hóa của vùng đất, góp phần dựng nên diện mạo văn hóa của Đà Nẵng trong nền văn hóa chung của dân tộc.

  1. Phế tích tháp Chăm-pa Xuân Dương:

Ngay từ thế kỷ 19, sách Đại Nam nhất thống chí, trong mục chép về núi Xuân Thiều đã nhắc đến di tích tháp Trà Vương. Năm 1928, trong tác phẩm “Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ”, H.Parmentier đã mô tả “Dấu vết Chăm tại Nam Ô thuộc địa phận làng Xuân Thiều …có thể nhận ra dấu vết của các bức tường và nền móng vuông của một ngôi tháp”.

Trong phạm vi của 2 hố thám sát (10m2), đã tìm được dấu tích đầm nền của di tích hố thiêng và phạm vi xung quanh, và 219 mảnh gạch Chăm. Ngoài ra trong bảo tàng điêu khắc Chăm, đình Xuân Dương và miếu bà Bô Bô còn lưu giữ được các hiện vật của di tích như: bệ thờ chạm khắc voi, đế bệ Yoni, đá mi cửa,…

Hình 2. Các hiện vật đá đình Xuân Dương

Cùng với các di vật hiện biết, kết quả đào thám sát của di tích cho thấy nơi đây đã từng tồn tại một kiến trúc Chăm-pa, có giá trị lịch sử văn hóa trên vùng đất Đà Nẵng. Di tích tháp Xuân Dương được xây dựng trên địa điểm vùng đất sát biển, trấn giữ và nhìn ra cửa Hàn (vịnh Đà Nẵng), trong lịch sử nơi đây vừa là trung tâm tôn giáo, vừa như ngọn hải đăng để định hướng đi biển của người Chăm.

Qua địa tầng hố thám sát, dựa vào những tác phẩm điêu khắc tìm được ở đây có thể thấy tháp Xuân Dương được xây dựng vào thế kỷ 11 và được duy trì sử dụng theo suốt chiều dài lịch sử tộc người Chăm cho đến khi vùng đất này sát nhập vào lãnh thổ dân tộc.

  1. Địa điểm Gò Giản:

Đầu năm 2015, khi trùng tu xây dựng lại miếu, nhân dân đã phát hiện được số hiện vật điêu khắc Chăm-pa bằng đá sa thạch, như: bệ thờ Yoni, chóp tháp, đầu tượng thần Shiva, những hiện vật này đã được đưa về Bảo tàng điêu khắc Chăm. Đây là những hiện vật liên quan đến vật thờ của kiến trúc tháp đã bị sụp đổ. Qua khảo sát, điều tra đã thu được các di vật quan trọng như: 15 mảnh gốm Sa Huỳnh, 8 mảnh gốm Chăm thế kỷ 2-6 (vòi ấm, ngói,…), và các hiện vật gốm men, đồ sành của thế kỷ 17-18.

Các di vật còn lại trên bề mặt di tích và các hiện vật sưu tầm được đã chứng minh đây là một kiến trúc Chăm-pa được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10 đã bị sụp đổ. Quy mô và phạm vi kiến trúc khá lớn, ngoài kiến trúc tháp chính còn có thể có các công trình kiến trúc khác được xây dựng tạo thành một tổ hợp kiến trúc hoàn chỉnh.

Hình 3. Đầu tượng Shiva Gò Giản

Phía trước di tích là hệ thống đầm cổ gắn liền với sông Túy Loan nên khả năng đây là di chỉ cư trú của người Sa Huỳnh được người Chăm kế thừa. Với những hiện vật tìm được cho thấy địa điểm phế tích tháp Chăm có thể nằm trên di chỉ cư trú của cư dân Sa Huỳnh.

Đây là địa điểm cư trú có tính chất lâu dài, với nhiều loại hình di tích thuộc các thời kỳ khác nhau: di chỉ cư trú Sa Huỳnh, kiến trúc Chăm-pa, do vậy khu vực di tích còn ẩn chứa tiềm năng lớn các giá trị lịch sử-văn hóa trong lòng đất, là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của cư dân Sa Huỳnh và tiếp tục trong văn hóa Chăm-pa.

Phạm Văn Triệu

(Nguồn: Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học Đà Nẵng năm 2015)

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9254068
Số người đang online: 18