Hội thảo "Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích mái đá Ngườm (Thái Nguyên)"

Sáng 10/5, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên và Đại học Wollongong (Australia) tổ chức hội thảo "Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích mái đá Ngườm (Thái Nguyên)" tại khu vực di tích Mái đá Ngườm (thôn Kim Sơn, xã Thần Sa, Võ Nhai, Thái Nguyên). Tham dự hội thảo có TS Nguyễn Gia Đối (Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học), Ths Bùi Huy Toàn (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên) cùng đông đảo các nhà khoa học từ Hà Nội và Thái Nguyên.
img_1021.jpg
Các đại biểu tham gia hội thảo tại Mái đá Ngườm
Tại di tích mái đá Ngườm, ông Nguyễn Thơ Đình (Viện Khảo cổ học, chủ trì khai quật) và GS Ben Marwick (Đại học Wollongong) trình bày chi tiết quá trình khai quật và các kết quả đã đạt được cũng như kế hoạch nghiên cứu tiếp theo với di tích này.
Di chỉ khảo cổ học mái đá Ngườm có tọa độ 21047’44.56 vĩ độ Bắc và 105053’21.68 độ kinh Đông, thuộc thôn Kim Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Đây là một di chỉ loại hình mái đá có hình hàm ếch, rộng khoảng 60 mét, cao 30 mét, mặt bằng mái đá rộng khoảng 700m2. Mái đá Ngườm nằm trên lưng chừng phía bắc của dãy núi Ngườm, cao hơn mực nước biển 90m, cao hơn 50m so với suối Thần Sa ở dưới chân núi.
Di chỉ mái đá Ngườm được phát hiện và thám sát năm 1980, khai quật lần 1 năm 1981, khai quật lần 2 năm 1982 với tổng diện tích 56m2. Lần khai quật thứ 3 (2017) mở 6m2 được ký hiệu là A, B, C, D, E, F.
Ở giai đoạn văn hóa muộn nhất là sự có mặt của lớp cư dân có thể thuộc hậu kỳ Đá mới, sơ kỳ Kim khí với sự xuất hiện 05 rìu đá mài toàn thân, kích thước nhỏ mang đặc trưng rìu đá Phùng Nguyên. Thêm vào đó, nhiều mảnh gốm thô trang trí văn thừng, khắc vạch, in chấm cũng đuợc phát hiện cùng với các rìu mài. Các mảnh gốm thô xuất lộ trong những lớp phía trên của tầng văn hóa.
gom.jpg
Mảnh gốm thô phát hiện ở đơn vị tầng I, II
riu.jpg
Rìu đá phát hiện ở đơn vị địa tầng I, II
ccmanh.jpg
Công cụ mảnh và mảnh tước trong các đơn vị địa tầng
Cuộc khai quật tiếp tục khẳng định những nhận định về di tích mái đá Ngườm trước đây, giữa các lớp sớm muộn của tầng văn hóa không hề có lớp vô sinh ngăn cách. Bổ sung tại di chỉ Ngườm trong đợt khai quật 2017 chính là phát hiện thêm mức văn hóa sớm nằm trong lớp trầm tích màu đỏ cam sâu dưới lớp Ngườm hơn 1m. Công cụ trong lớp văn hóa này khác về kỹ thuật và nguyên liệu so với các lớp trên.
cuoi_mznh.jpg
Công cụ phát hiện trong lớp trầm tích màu đỏ cam
Kế hoạch nghiên cứu tiếp theo: đoàn sẽ làm các mẫu phân tích AMS, OSL để xác định niên đại của di vật, của trầm tích. Các mẫu trầm tích được lấy từ địa tầng ổn định sẽ đuợc nghiên cứu bằng phương pháp vi hình thái cấu trúc và phương pháp địa khảo cổ học để mang lại những nhận thức về quá trình hình thành địa tầng di chỉ từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn. Phân tích cổ từ cảm và bào tử phấn hoa để có những hiểu biết về tác động của khí hậu, môi trường đối với người cổ tại Ngườm. Nghiên cứu chi tiết về kỹ nghệ chế tác công cụ các giai đoạn tại di tích mái đá Ngườm.
Trao đổi tại di tích, các nhà khoa học và các cơ quan quản lý văn hóa đều rất quan tâm đến phát hiện tầng trầm tích mới và những hiện vật trong đó. Nhiều ý kiến cho rằng, trong phạm vi hẹp sẽ khó có cái nhìn tổng quát về lớp trầm tích này. Hội thảo kiến nghị cần có nghiên cứu kỹ hơn và mở rộng phạm vi khai quật để có hiểu biết tốt hơn về lớp này.
Tin, ảnh: Nguyễn Thơ Đình

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9027421
Số người đang online: 14