HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ KHẢO CỔ HỌC DƯỚI NƯỚC NĂM 2014

HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ KHẢO CỔ HỌC DƯỚI NƯỚC NĂM 2014

 

 

Được sự đồng ý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từ ngày 18/6 đến ngày 19/7 năm 2014, đoàn hợp tác quốc tế về khảo cổ học dưới nước đã tiến hành các hoạt động tập huấn và khảo sát nghiên cứu tại Hội An (Quảng Nam), khu di tích Vân Đồn, khu di tích Bạch Đằng (Quảng Ninh). Ngoài ra, các thành viên của đoàn đã tiến hành nghiên cứu các mảnh tàu đắm, di vật trong sưu tập của Lâm Du Sênh tại thị trấn Châu Ổ (Quảng Ngãi) và thăm khu di tích Chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh).

Được sự đồng ý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từ ngày 18/6 đến ngày 19/7 năm 2014, Đoàn hợp tác quốc tế về khảo cổ học dưới nước đã tiến hành các hoạt động tập huấn và khảo sát nghiên cứu tại Hội An (Quảng Nam), khu di tích Vân Đồn, khu di tích Bạch Đằng (Quảng Ninh). Ngoài ra, các thành viên của đoàn đã tiến hành nghiên cứu các mảnh tàu đắm, di vật trong sưu tập của Lâm Du Sênh tại thị trấn Châu Ổ (Quảng Ngãi) và thăm khu di tích Chùa Dạm (Bắc Ninh).

Thời gian và chương trình làm việc

18- 20/6: Nghiên cứu các mảnh tàu đắm và di vật tại sưu tập của Lâm Du Sênh (thị trấn Châu Ổ, tỉnh Quảng Ngãi)

21- 27/6: Tập huấn lặn khảo sát bằng bình khí nén tại Hội An; khảo sát khu vực Cù Lao Chàm và làm việc với Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, Ban Quản lý Biển Cù Lao Chàm; tiếp xúc với cư dân quanh vùng Hội An, Đà Nẵng và Cù Lao Chàm và một số sưu tập tư nhân nhằm thu thập các thông tin, tư liệu liên quan đến tàu đắm trong khu vực.

29/6-2/7: Thăm các điểm khai quật tại khu vực Yên Giang và các đền miếu liên quan đến trận thủy chiến Bạch Đằng (khu di tích Bạch Đằng, Thị xã Quảng Yên)

2-17/7: Khảo sát trên bờ và khai quật dưới nước tại khu di tích Vân Đồn (các khu vực Mang Thúng, Cống Cái, thôn Sơn Hào thuộc xã Quan Lạn, các di tích thuộc xã Thắng Lợi); Ghi chép về lễ hội Quan Lạn (liên quan đến trận thủy chiến của Trần Khánh Dư tại Vân Đồn năm 1288) . Báo các sơ bộ kết quả tại Hạ Long.

18-19/7: Báo cáo kết quả tại Viện Khảo cổ học; Thăm di tích chùa Dạm (Bắc Ninh)

Thành viên

Chịu trách nhiệm chính

TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học)

TS Jun Kimura (Đại học Murdoch)

GS. Mark Staniforth (Đại học Monash)

Thành viên từ Việt Nam

Ths Bùi Văn Hiếu (Viện Khảo cổ học)

CN Đinh Thị Thanh Nga (Viện Khảo cổ học)

CN Nguyễn Văn Hội (Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh)

Lê Đồng Sơn (Trưởng phòng Văn hóa Thị xã Quảng Yên)

Chuyên gia kỹ thuật, nhà nghiên cứu độc lập, trợ lý khảo sát

TS. Christy Briles (Đại học Colorado Denver, Mỹ)

TS. Amer Khan (Kỹ thuật viên giám sát lặn khảo sát, Nam Úc),

TS. Paddy O’Toole (Monash University, Úc)

Ian MacCann (Chuyên gia truyền thông về khảo cổ học dưới nước, Úc)

Samanthi Dissanayake (Phóng viên chuyên trang khảo cổ học của BBC, Anh)

Kết quả sơ bộ

1. Tập huấn lặn vầ khảo sát tại Hội An

Đã có hai cán bộ trẻ của Phòng Nghiên cứu Khảo cổ học Dưới nước, Viện Khảo cổ học được đào tạo lặn khảo sát bằng bình khí nén. Trong đó 1 cán bộ đã được cấp chứng chỉ lặn quốc tế. Dự kiến vào cuối năm nay, sẽ có thêm một người nữa được cấp chứng chỉ. Trong quá trình khảo sát tại khu vực Cù Lao Chàm, ngoài các thông tin về di vật (chủ yếu là đồ gốm sứ) và tàu đắm do cư dân cho biết, đã phát hiện được một bộ phận của một chiếc mỏ neo bằng đá. Đây là một hiện vật quan trọng đánh dấu sự hiện diện của một bến cảng cổ ở khu vực này. Việc nghiên cứu tính chất và niên đại của di vật đang được tiếp tục. Một địa điểm tàu đắm trong vùng biển Quảng Nam cũng được Bảo tàng tỉnh thông báo.

Tập huấn lặn sử dụng bình khí nén ở Hội An

(Nguồn: Ian McCann)

Khảo sát Cù Lao Chàm 

(Nguồn: Ian McCann)

2. Kết quả khảo sát tại Khu di tích Bạch Đằng

1 mẫu khoan sâu 2,33m đã được thực hiện trên bờ nam sông Chanh (khu vực ngoài thôn Đồng Cốc), nhằm nghiên cứu lịch sử hình thành và thay đổi của môi trường sông Bạch Đằng. Các chuyên gia tiếp tục khảo sát và nói chuyện với người dân tại các di tích lịch sử như Đình Trung Bản (xã Liên Vị), Đình Cốc (phường Nam Hòa), Đền Trần và Miếu Vua Bà (Phường Yên Giang) nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa các câu truyện truyền thuyết và sự kiện chiến thắng Bạch Đằng năm 1288; tình cảm và ý thức của nhân dân đối với truyền thống lịch sử và các di sản văn hóa còn lại. Đoàn cũng nói chuyện với những thợ đóng thuyền nan truyền thống và bày tỏ mong muốn phát triển các sản phẩm dành cho du khách.

Khảo sát khoan địa tầng ở Đồng Cốc

(Nguồn: Lê Thị Liên)

3. Kết quả khai quật và khảo sát khảo cổ học dưới nước tại các điểm bến cảng và làng cổ trong phạm vi xã Quan Lạn và xã Thắng Lợi

Bằng phương pháp lặn dùng bình khí nén và ống thở, đoàn đã tiến hành khai quật dưới nước trên diện tích nhỏ (1m2) tại hai khu vực: Mang Thúng và Cống Cái (xã Quan Lạn), đồng thời tiến hành thu thập mẫu di vật trên bờ theo phương pháp nghiên cứu thống kê mật độ xuất lộ trong phạm vi 1m2 tại hai địa điểm này. Đoàn cũng đã khảo sát, thu lượm mẫu vật và nghiên cứu địa tầng trong các khu vực xuất lộ nhiều di vật do việc ủi đất làm đường ra nhà máy xử lý rác thải tại thôn Sơn Hào. Kết quả cho thấy tại đây các dấu tích cư trú, kiến trúc, giếng nước của một làng cổ (Làng Vân Sơn theo các kết quả nghiên cứu trước đây) xuất lộ dày đặc. Niên đại của nhiều đồ gốm sứ, sành được xác định vào thời Trần. Nhiều di vật có niên đại sớm hơn (trước thế kỉ 10) và muộn hơn (thời Lê) cũng có mặt. Các dấu tích này cho thấy đây là một di tích cư trú-bến cảng cổ quan trọng và có tiềm năng nghiên cứu rất lớn.

Khu vực khảo sát ở Mang Thúng Khu vực khảo sát ở Cống Cái

Khu vực kháo sát ở Mang Thúng 

(Nguồn: Jun Kimura)

Khu vực kháo sát ở Cống Cái

(Nguồn: Jun Kimura)

Tại xã Thắng Lợi, việc khảo sát ven bờ thuộc khu vực các thôn 1, 2, 3, 4, 5 cũng phát hiện nhiều mảnh sành, sứ, gốm men. Các di vật này tập trung dày đặc ở các địa điểm Vụng Chuồng Bò, Vụng Huyện, với sự nổi trội các đồ gốm sứ có nguồn gốc Trung Hoa so với các địa điểm ở Quan Lạn và có thể một số có nguồn gốc khác. Thắng Lợi cũng là nơi đã có nhiều dấu tích của các kiến trúc chùa tháp được phát hiện và nghiên cứu trước đây. Việc nghiên cứu so sánh sâu hơn để xác định tính chất và niên đại cho các địa điểm này cần được tiếp tục.

Đồ gốm sành sứ ở Vụng Huyện 

(Nguồn: Bùi Văn Hiếu)

Đồ gốm sành sứ ở Vụng Chuồng Bò 

(Nguồn: Bùi Văn Hiếu)

4. Nghiên cứu lễ hội Quan Lạn

Lễ hội Quan Lạn được tổ chức hàng năm để kỉ niệm chiến thắng Vân Đồn do Trần Khánh Dư lãnh đạo, đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ vào tháng 1 năm 1288. Cùng với chiến thắng Bạch Đằng vang dội diễn ra vào tháng 3 năm 1288, trận thủy chiến này góp phần to lớn vào việc quân dân Đại Việt đánh bại cuộc xâm lược lần thứ ba của quân Nguyên Mông. Việc ghi lại hình ảnh, nói chuyện với nhân dân và những người tham dự lễ hội, cùng với việc nghiên cứu hình thức tổ chức, nội dung các hoạt động nhằm tìm hiểu cách thức bảo lưu và truyền lại các kí ức lịch sử và mối liên hệ với trận đánh; sự hiểu biết và tình cảm của người dân và nhận thức của họ về các giá trị văn hóa truyền thống.

Lễ hội Quan Lạn

(Nguồn: Ian McCann)

5. Nhận xét và đề xuất

Trong thời gian làm việc, đoàn đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Khảo cổ học, các cấp lãnh đạo tỉnh, Ban lãnh đạo các cơ quan đối tác, các cá nhân tham gia và nhân dân địa phương nơi đoàn đến công tác. Đoàn đã có các hoạt động rất tích cực, triển khai ở nhiều nơi, thu được kết quả rất tốt. Một số nhận xét về các kết quả đạt được như sau:

- Việc thực hiện tập huấn lặn khảo sát ở Hội An là bước mở đầu quan trọng trong việc phát triển hoạt động này ở Việt Nam, nhằm từng bước nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cấp trung ương và cấp cơ sở. Hội An là địa điểm lý tưởng cho các chương trình đào tạo thực hành. Trong các năm tới, các chuyên gia sẵn sàng tiếp tục mở các lớp tập huấn tương tự và mong muốn có sự ủng hộ của cơ quan nghiên cứu và quản lý văn hóa các cấp bằng việc cử cán bộ tham gia tập huấn, phối hợp tổ chức và hỗ trợ các cơ sở vật chất cần thiết như nơi ăn ở, phương tiện tàu thuyền.

- Các địa điểm nghiên cứu khảo sát tại khu di tích thương cảng Vân Đồn cho thấy tiềm năng nghiên cứu to lớn về nhiều mặt: Lịch sử hình thành, phát triển và hoạt động của các bến bãi; sự hình thành và phát triển các làng cổ, vai trò của các khu làng cổ trong quá trình hoạt động của thương cảng; khả năng phát hiện và nghiên cứu các di vật dưới nước là rất lớn.

- Khu vực miền Trung, đặc biệt là khu vực biển Cù Lao Chàm cho thấy tàng trữ những di sản văn hóa dưới nước giàu có, phản ánh một lịch sử giao lưu văn hóa và trao đổi thương mại từ rất sớm. Việc phát triển các hoạt động khảo sát, nghiên cứu và bảo vệ nguồn di sản văn hóa dưới nước ở đây cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng và sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý cấp nhà nước.

Từ các kết quả nêu trên, nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam, một số đề xuất cụ thể đối với Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khảo cổ học như sau:

Đối với khu di tích Vân Đồn: Xây dựng chương trình hợp tác với các nhà nghiên cứu quốc tế và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh trong việc nghiên cứu khu di tích Vân Đồn và phát triển nguồn nhân lực (thực hiện các khóa đào tạo lặn và nghiên cứu).

Đối với tỉnh Quảng Nam và khu vực Hội An: Tiếp tục hợp tác với các nhà nghiên cứu quốc tế và các cơ quan chức năng địa phương thực hiện các khóa đào tạo lặn và xây dựng kế hoạch khảo sát nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho các di sản văn hóa dưới nước trong khu vực này.

Lê Thị Liên, Bùi Văn Hiếu 

(Phòng Nghiên cứu Khảo cổ học Dưới nước)

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9025917
Số người đang online: 26