Hiện trạng các di tích văn hóa Tiền Đông Sơn tỉnh Phú Thọ

Tháng 7 năm 2013, trong khuôn khổ thực hiện Đề tài cấp Cơ sở, chúng tôi đã tiến hành phúc tra lại hệ thống các di tích văn hóa Tiền Đông Sơn tỉnh Phú Thọ trên địa bàn các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông và thành phố Việt Trì. Hiện trạng các di chỉ như sau:

1. Hệ thống các di tích văn hóa Phùng Nguyên

          1.1. Huyện Lâm Thao:

          - Di chỉ Gò Chùa Cao (xã Cao Xá): Hiện tại khu gò cây cối mọc um tùm. Trên sườn gò xây dựng một ngôi chùa, cổng tam quan rất rộng, đẹp. Phía trước gò là khu nghĩa địa.

          - Di chỉ Thành Dền (xã Cao Xá): Hiện tại nhà dân ở kín phạm vi gò. Có một số khu vực còn rõ tầng văn hóa, dày khoảng 80cm - 100cm nhưng cũng khó thực hiện khai quật do người dân đã xây dựng những công trình kiên cố

          - Di chỉ Xóm Kiếu (xã Tứ Xã): Khu vực này giờ là khu dân cư đông đúc.

          - Di chỉ Gò Mả Nguộn (xã Tứ Xã): Toàn bộ gò đã bị san bạt để xây dựng trường học. Khu di chỉ giờ là trường THCS Tứ Xã rất khang trang.

          - Di chỉ Gót Rẽ (xã Tứ Xã): Vẫn là cánh đồng lúa, sau đợt khai quật của Viện Khảo cổ học vào năm 1995 thì bà con đi làm ruộng hầu như không nhặt được những chiếc búa đá nữa (đồ đá bà con thường gọi là búa đá).

          - Di chỉ Phùng Nguyên (xã Kinh Kệ): Khu vực ao gần chợ tầng văn hóa còn rất rõ, đồ gốm còn rải rác trên vách ao, khu vực giáp cánh đồng trồng lúa ở ngoài ao còn có gốm vỡ rải rác trên bề mặt.

          1.2. Huyện Phù Ninh:

          - Di chỉ An Đạo (xã An Đạo): Gò vẫn còn gần nguyên nhưng giờ thành đất của chùa Hoàng Long, phần sườn gò có thể khai quật nhưng vị sư trụ trì không cho phép đào trong đất chùa.

          - Di tích Xóm Rền (xã Gia Thanh): Di tích nằm trong khu vườn của các gia đình dân nên vẫn còn được bảo tồn, vẫn có khu vực có thể khai quật được. Tuy nhiên, có một tình trạng là di tích hiện giờ không được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như các cơ quan chức năng có liên quan. Biển giới thiệu di tích lịch sử cấp Quốc gia đã bị rơi xuống đất không biết từ bao giờ.

          - Di tích Gò Diễn (xã Tiên Du): Khu gò này đã bị san phẳng và phá hủy hoàn toàn để xây hai trường học của xã Tiên Du (trường THCS và trường TH Tiên Du).

          1.3. Huyện Tam Nông:

          - Di chỉ Gò Chùa (xã Hương Nộn): Giờ trở thành khu dân cư đông đúc với nhà cửa xây san sát.

          - Di chỉ Gò Chè (xã Dậu Dương): Giờ trở thành khu dân cư đông đúc với nhà cửa xây san sát.

          - Di chỉ Gò Bông (xã Thượng Nông): Khu vực này cũng nhà cửa san sát, dân ở đông đúc. Trong vườn một số nhà dân vẫn rải rác có gốm.

          - Di chỉ Hồng Đà (xã Hồng Đà): Đã bị xóa sổ, không còn chút dấu tích nào của công xưởng chế tác đá quy mô lớn. Theo một số người dân cao tuổi, khu di chỉ Hồng Đà nằm trên Gò Tôm và đến nay người ta đã đào thành đầm để thả sen.

          1.4. Thành phố Việt Trì:

          - Di chỉ Đồng Ghệ (trước thuộc xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao, nay thuộc TP. Việt Trì): Khu di chỉ này hiện nay là các ruộng lúa nước, chỉ còn lại rải rác một số ụ đất nhô cao ở trong các ruộng lúa.

          - Di chỉ Đồng Dạ (trước thuộc xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao, nay thuộc TP. Việt Trì): Khu di chỉ này hiện nay không còn dấu tích khảo cổ, dân đã san bạt gò và xây dựng nhà ở san sát, trở thành khu dân cư đông đúc.

          - Di chỉ Gò Mồng (trước thuộc xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao, nay thuộc TP. Việt Trì): Khu di chỉ này hiện nay không còn dấu tích khảo cổ, dân đã san bạt gò và xây dựng nhà ở san sát, trở thành khu dân cư đông đúc.

          - Di chỉ Khu Đường (xã Vĩnh Lại, trước đây thuộc huyện Lâm Thao, nay thuộc TP. Việt Trì): Hiện là khu vực trồng màu và ruộng lúa, trên bờ ruộng có xuất lộ mảnh gốm vỡ.

          - Di chỉ Đồi Giàm (Phường Trưng Vương): Gò vẫn còn cây cối um tùm, nhưng ngay dưới phần lưng chừng gò có một cộc mốc, qua tìm hiểu chúng tôi được biết đây là cộc mốc quy hoạch đường. Một con đường trong thành phố sẽ chạy vòng quanh khu di chỉ.

2. Hệ thống các di tích văn hóa Đồng Đậu

          - Di chỉ Đồng Đậu con (xã Tứ Xã): Vẫn là cánh đồng lúa, nhưng rất tiếc khi chúng tôi chuẩn bị ra di chỉ thì trời đổ mưa rất to và đường ra cánh đồng là đường đất nhỏ nên chúng tôi không thực hiện được việc định vị GPS tại di chỉ này.

3. Hệ thống các di tích văn hóa Gò Mun

          3.1. Huyện Lâm Thao:

          - Di chỉ Mã Lao (xã Thụy Vân): Khu di chỉ này đến nay đã bị xóa sổ, toàn bộ phạm vi khu di chỉ dân đã san bạt gò để xây dựng nhà ở. Các khu nhà khang trang đã phủ kín khu gò.

          - Di chỉ Gò Đồng Sấu (xã Thụy Vân): Khu di chỉ hiện tại là khu đồi trồng sắn của dân.

          - Di chỉ Gò Chiền (xã Tứ Xã): Gò hiện tại đã bị san phẳng, là khu ruộng trồng cà và mướp.

          - Di chỉ Gò Mun (xã Tứ Xã): Di tích đã được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, có bảo vệ nhưng không hiệu quả. Đây là di chỉ hiếm hoi còn có thể khai quật.

          - Di chỉ Gò Tro Trên (xã Thụy Vân): Toàn bộ khu vực gò cây hoang mọc um tùm, nhiều bụi xương rồng to, bụi dứa dại và mộ cải táng được xây dựng tại đây.

          - Di chỉ Gò Tro Dưới (xã Thụy Vân): Khu vực trên đỉnh gò trồng sắn và phi lao, lưng chừng gò người dân đã xây dựng một khu mộ tổ quy mô lớn.

           - Di chỉ Nội Gan (xã Kinh Kệ): Khu gò đã bị san phẳng, hiện là khu nghĩa trang và vườn trồng cây ăn quả của người dân.

Lời kết

          Phú Thọ là một vùng đất hội tụ đậm đặc nhất những di tích khảo cổ thuộc các văn hóa Tiền Đông Sơn từ Phùng Nguyên đến Gò Mun.

          Tuy nhiên cho đến nay, đa số các di chỉ đã bị phá hủy một phần hoặc phá hủy hoàn toàn nhằm lấy đất xây dựng nhà ở của dân hoặc thực hiện các mục đích khác như canh tác lúa nước, trồng màu, xây trường học, lập trại chăn nuôi...

          Trong tình trạng các di tích gần như bị xóa sổ hết, các cơ quan quản lý văn hóa cũng như các cấp chính quyền cần có những chương trình cụ thể bảo vệ và gìn giữ các di tích, đặc biệt là các di tích đã được xếp hạng.

 

(Nhóm tác giả: Bùi Thu Phương, Nguyễn Tiến Đông, Nguyễn Anh Tuấn)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)

Thư viện

- Tác giả: George Soulie De Morant - Nxb: Mỹ Thuật - Năm xb: 2023 - Số trang: 381tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đỗ Trường Giang, Đổng Thành Danh, Bá Minh Truyền - Nxb: Thế Giới - Năm xb: 2021 - Số trang: 527tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Viên Như - Nxb: Hồng Đức - Năm xb: 2022 - Số trang: 335tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Vũ Huyễn Trang - Nxb: Thế giới - Năm xb: 2022 - Số trang: 266 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Marcel Bernanose - Nxb: Mỹ Thuật -Năm xb: 2023 - Số trang: 238 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đại úy hải quân Francis Garnier, Nguyễn Minh dịch và chú giải - Nxb: Đại học Sư phạm - Năm xb: 2023 - Số trang: 848 - Khổ: 18.5 x 26.5...
- Tác giả: Trần Minh Nhựt - Nxb: Dân Trí -Năm xb: 2022 - Số trang: 261 - Khổ: 20.5 x 27.5 cm - Bìa: mềm
- Tác giả: Đinh Khắc Thuân - Nxb: Đại học Quốc gia Hà Nội - 2021 - Số trang: 752 tr - Khổ sách: 16x24tr - Hình thức bìa: cứng
- Tác giả: Nguyễn Tuấn Cường - Nxb: Khoa học xã hội - 2020 - Số trang: 522 tr - Khổ sách: 16x24tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 7466657
Số người đang online: 18