Di tích quốc gia Yên Tử được "trùng tu - xây mới"
Di tích quốc gia Yên Tử được "trùng tu - xây mới"
Thứ bảy, 27 Tháng 12 2014 09:55
Chùa Một Mái, nơi biên soạn nhiều kinh văn của trường phái Trúc Lâm Yên Tử được xây mới hoàn toàn trên nền sàn bê tông cốt thép với diện tích mở rộng thêm. Am Dược, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tổ chức bốc thuốc, cứu độ chúng sinh được trùng tu lại.
Khoảng nửa tháng nay, khi đến với khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (Quảng Ninh), không ít du khách ngạc nhiên vì nhiều công trình cổ bị biến thành công trường xây dựng với ngổn ngang sắt thép, cát, vôi. Chùa Một Mái (Bán Thiên tự) - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông thường tới đây đọc sách, soạn kinh văn - nay những bao ximăng được chất đống để chuẩn bị phục vụ việc xây mới.
Khu phế tích Am Dược - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tổ chức bốc thuốc, cứu độ chúng sinh - nay bị đào tung nền móng, tường đá cổ cũng không còn. Những phiến đá gạo với họa tiết trăm năm của di tích, sau khi bị phá dỡ nằm chỏng chơ xung quanh, không có mái che bảo quản như yêu cầu của Luật Di sản văn hóa. Duy nhất có bức tượng Phật nhỏ trên nền phế tích được đặt lên bàn thờ.
Am Dược (Yên Tử) bị phá bỏ nền móng cũ và tường đá cổ để làm mới công trình. Ảnh: Mỹ Mỹ. |
Giữa đại ngàn non thiêng Yên Tử hoang sơ, một con đường rộng mới được mở cắt xuyên rừng Yên Tử, hằn đầy vết xe cơ giới.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng ban Quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, những hạng mục đang được thi công này thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình phục hồi, tôn tạo di tích chùa Một Mái - Am Dược được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2011. Tổng mức đầu tư theo quyết định gần 20 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa. Theo kế hoạch, công trình được thực hiện từ năm 2013, nhưng nay mới có kinh phí để thi công.
Theo ông Hải, việc chùa Một Mái được xây mới, đúng với thiết kế bản vẽ thi công mà Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh phê duyệt năm 2012. Trong thiết kế, ngôi chùa nức tiếng trời Nam với thế "Chênh vênh lưng núi nửa trong ngoài" (thơ Hoàng Quang Thuận) này, sẽ bị dỡ bỏ kết cấu gạch, gỗ và xây mới hoàn toàn trên nền sàn bê tông cốt thép. Diện tích chùa cũng được mở rộng từ 41 lên 124 m2. Chùa Một Mái đến nay đã sắp trùng tu xong.
Chùa Một Mái thuộc khu Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử trước và sau trùng tu tôn tạo. Ảnh: Mỹ Mỹ và tư liệu. |
Phế tích Am Dược theo phê duyệt sẽ xây công trình mới nhưng giữ nguyên mặt bằng cũ và tường đá cũ còn sót lại. "Việc phá dỡ nền móng cũ, tường đá, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh không cố tình làm mà vì các hạng mục đó đã bị sụp, lún sẵn rồi", ông Hải nói.
Theo Trưởng ban quản lý Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử, nền móng của Am Dược khi công nhân phạt cỏ để gia cố đã thấy sân đá tảng bị trộm đào xới để tìm đồ cổ từ trước. Nền móng sụt lún nên không thể xây trên nền này được. Hai bức tường đầu hồi còn sót lại được giữ với nhau bằng rễ cây, dây leo. Khi chặt dây để trùng tu, tường đã sụp đổ.
Con đường rộng xe cơ giới chạy qua là chỉnh trang từ đường thăm dò địa chất đã có từ mấy chục năm trước, nay dùng để đưa vật liệu lên khu vực tôn tạo di tích và phục vụ công tác tuần tra.
Ngày 26-12, ông Ðào Lê Trung - chánh thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh - cho biết đoàn kiểm tra liên ngành gồm cán bộ thanh tra, phòng nghiệp vụ văn hóa, Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã có kết quả rà soát di tích chùa Một Mái - am Dược tại khu di tích rừng quốc gia Yên Tử.
Theo đó, các cơ quan chức năng phát hiện đơn vị thi công có nhiều sai phạm trong quá trình tôn tạo, trùng tu như: xây dựng nền móng am Dược vượt quá diện tích thiết kế đã được phê duyệt, công tác bảo quản các di vật cổ không đúng quy định...
Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định đình chỉ thi công dự án tôn tạo am Dược tại quần thể di tích Yên Tử.
Ông Hồ Chí Ðức, trưởng Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, cho biết đơn vị thi công đã không tuân thủ các quy định về trùng tu, tôn tạo vì đào toàn bộ phần nền móng bằng đá gạo cũ của am Dược lên, không đánh dấu các cấu kiện và không bảo quản tốt các di vật cổ.
“Ðây là một sai sót đáng tiếc. Lẽ ra khi phát hiện nền móng sụt lún thì đơn vị thi công không được tự ý gia cố nền móng mà phải báo cơ quan quản lý văn hóa để thành lập hội đồng khoa học thẩm định, có các biện pháp xử lý hợp lý để vừa trùng tu vừa bảo tồn được di tích” - ông Ðức nói.
Về hướng xử lý, theo ông Trung, sắp tới sẽ yêu cầu Giáo hội Phật giáo tỉnh có báo cáo chi tiết, làm thủ tục đề nghị điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh hồ sơ cấp phép, khi nào được cấp phép tiếp mới được xây dựng.
Ban quản lý khu rừng quốc gia Yên Tử cùng đơn vị thi công phải thực hiện phương án bảo quản các cấu kiện, di vật cổ theo đúng quy định.
- 07/01/2015 09:42 - Phát hiện một làng đạn đá cổ tại huyện Đồi Mỏ, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
- 05/01/2015 09:43 - Thêm nhiều mảnh khuôn đúc trống đồng được phát hiện tại Luy Lâu
- 31/12/2014 09:47 - Hé lộ phạm vi, cấu trúc thành Nội khu di tích Luy Lâu
- 30/12/2014 16:40 - 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật nhất trong năm 2014
- 29/12/2014 09:30 - Báo cáo kết quả khảo sát và khai quật thám sát khu vực Yên Giang và cánh đồng Yên Giang
- 26/12/2014 09:57 - Nhóm cổ vật độc đáo mới phát hiện ở huyện Mường Ảng (Điện Biên)
- 24/12/2014 16:58 - Phát hiện ngôi mộ thời Đông Sơn ở Sơn La
- 23/12/2014 10:04 - Ngôi mộ thời Trần trên núi Trán Rồng (khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương))
- 22/12/2014 10:40 - Nỏ thần An Dương Vương - Từ huyền thoại đến sự thật lịch sử
- 22/12/2014 10:10 - Hoàng thành Thăng Long - từ góc độ Khảo cổ học