Di chỉ khảo cổ học Dương Xá với tiến trình phát triển từ văn hóa Gò Mun lên văn hóa Đông Sơn

Di chỉ Dương Xá thuộc thôn Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Di chỉ được phát hiện một cách ngẫu nhiên từ những năm 80 của thế kỷ trước, trong quá trình cải tạo và quy hoạch đất đai, nhân dân địa phương phát hiện những ngôi mộ gạch và những đồ đồng, đồ gốm mang phong cách Đông Sơn.

 Toàn cảnh di chỉ khảo cổ học Dương Xá

Tháng 4 năm 1987, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội kết hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật di chỉ này với diện tích 30m2. Kết quả khai quật này cho thấy, Dương Xá là di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, rộng khoảng 3 vạn m2, có tầng văn hóa dày và khá ổn định, chia thành hai lớp: Gò Mun lớp dưới và Đông Sơn lớp trên, không có lớp vô sinh ngăn cách giữa hai lớp này. Cư dân Dương Xá cổ làm nhiều nghề khác nhau, đặc biệt là nghề gốm, nghề luyện đồng và nghề cá khá phát triển.

Tháng 1 năm 1998, Viện Khảo cổ học đã đào thám sát di chỉ Dương Xá. Kết quả cũng cho thấy Dương Xá là di chỉ cư trú có 1 tầng văn hóa chia thành 2 lớp phát triển liên tục, không có lớp vô sinh ngăn cách: Lớp dưới là nơi cư trú của cư dân Gò Mun; lớp trên là nơi cư trú của cư dân Đông Sơn và mộ táng Đông Sơn. Trong hố thám sát không phát hiện được đồng, đồ đá nghèo nàn, đồ gốm (các mảnh vỡ) có số lượng lớn. Diễn biến đồ gốm rất phù hợp với sự phân chia các lớp văn hóa. Từ lớp I đến lớp III: Gốm Đông Sơn mang đặc trưng loại hình Đường Cồ có số lượng áp đảo.

Tháng 12 năm 2008, đoàn thực tập của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tiến hành khai quật di chỉ Dương Xá với diện tích 50m2. Tầng văn hóa gồm các lớp đất xám đen, xám nâu, vàng nhạt, trong đó lớp đất xám đen là dày nhất và được ngăn cách với lớp xám nâu bởi một dải đất vàng nhạt dày mỏng không đều và liền mạch. Thông qua các hiện vật thu được ở các lớp đất ta có thể thấy rõ, lớp đất xám đen tương ứng với văn hóa Đông Sơn, lớp đất xám nâu mang nhiều yếu tố của văn hóa Gò Mun. Còn lớp đất vàng nhạt gần giống như sinh thổ có thể là do cư dân Đông Sơn đào những hố đất đen xuyên qua lớp văn hóa Gò Mun xuống sinh thổ, rồi đất đào từ các hố đó được phủ lên mặt lớp văn hóa Gò Mun. Dựa trên các dấu tích còn lại trong địa tầng văn hóa, đặc điểm di tích, di vật, những người khai quật đồng ý với ý kiến của TS. Lại Văn Tới cho rằng niên đại di chỉ Dương Xá này là thuộc cuối giai đoạn văn hóa Gò Mun chuyển tiếp sang giai đoạn Đông Sơn.

 

 

Diễn biến địa tầng trong hố khai quật năm 2008.

Dựa vào di vật đồng, đá và gốm, chúng ta thấy rất rõ nhận định trên. Các mũi lao, mũi giáo đều là những loại hình xuất hiện trong các di chỉ thuộc văn hóa Gò Mun và Đông Sơn. Tuy các di vật mang đậm tính chất của văn hóa Gò Mun, nhưng trên thực tế, khi chưa bị san ủi, di chỉ Dương Xá vốn cao hơn hiện tại gần 1m nên có thể các di vật Đông Sơn ở phần đất này có lẽ cũng chiếm một tỷ lệ nhất định. Ngoài ra, hiện vật Đông Sơn và Gò Mun cũng bị xáo trộn ở các lớp văn hóa. Người Đông Sơn đã kế thừa sản phẩm của người Gò Mun, trên cơ sở những thành tựu văn hóa Gò Mun, người Đông Sơn đã tạo cho mình một nền văn hóa rưc rỡ.

Một số di vật khai quật năm 2008.

Như vậy, Dương Xá là một di chỉ khảo cổ học tiêu biểu cho giai đoạn chuyển tiếp từ văn hóa Gò Mun lên văn hóa Đông Sơn. Chủ nhân của nó chính là những người Gò Mun sau đó người Đông Sơn tiếp tục kế thừa và phát triển thêm một bước cao hơn nữa. Tuy lớp văn hóa của giai đoạn Đông Sơn bị san bạt đi đi khá nhiền, nhưng độ dày của di chỉ vẫn còn trên 1m và mang đậm những yếu tố văn hóa Gò Mun pha lẫn với một số dấu tích văn hóa Đông Sơn. Nghiên cứu di chỉ khảo cổ học Dương Xá góp phần tìm hiểu tiến trình phát triển từ giai đoạn Tiền Đông Sơn lên Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng. Hiện nay, với tầng văn hóa còn tương đối dày và diện tích tiềm năng cho khai quật tương đối còn lớn, trong tương lai, chúng ta cần có thêm những đợt khảo sát và khai quật để có một cái nhìn toạn diện về di chỉ khảo cổ học quan trọng này.

Chu Mạnh Quyền, nguồn tin:Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9027654
Số người đang online: 22