Tại hội nghị, các đại biểu phát biểu tập trung làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích và các phương án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích này.
Được biết, từ tháng 7/2020 đến nay, đoàn công tác của Viện Khảo cổ học đã tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ trên tổng diện tích 280m2 tại các địa điểm trường Tiểu học Gia Thủy; đình Mỹ Hạ thuộc xã Gia Thủy.
Kết quả khai quật mộ gạch tại trường Tiểu học Gia Thủy đã làm rõ toàn bộ hình dáng, quy mô và cấu trúc của một ngôi mộ gạch có quy mô lớn, niên đại thế kỷ I-II Công nguyên. Ngôi mộ cũng đã cung cấp thêm nhiều thông tin khoa học về đề tài mộ gạch 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở Việt Nam. Ngoài ra, tại đình Mỹ Hạ, xã Gia Thủy, là nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Thái hậu Dương Vân Nga, sau khi đoàn công tác thăm dò, khai quật khảo cổ, làm xuất lộ các dãy nền móng của ngôi đình cũ có quy mô to lớn nằm sâu dưới mặt đất 0.5m...
Tại hội nghị, đoàn công tác đã đề xuất phương án lấp bảo tồn di tích tạm thời đối với mộ gạch cổ và nền móng kiến trúc tại đình Mỹ Hạ nhằm giúp bảo quản di tích trong lòng đất, đợi những kế hoạch phát huy giá trị trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại, phương án này giúp cho địa phương vẫn có thể sử dụng mặt bằng sân trường cho các em học sinh tựu trường vào đầu tháng 9 cũng như phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương tại đình Mỹ Hạ.
Việc khai quật, khảo cổ di tích mộ gạch và nền móng kiến trúc cổ tại xã Gia Thủy đã góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa, vai trò và vị thế của vùng đất Nho Quan - Ninh Bình ở giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Đặc biệt là sự đóng góp vào quá trình hình thành, phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt ở Kinh đô Hoa Lư, thế kỷ X.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất cần xây dựng nhữngbảng chỉ dẫn, hình ảnh nhằm giáo dục lịch sử cho học sinh và nhân dân địa phương về kết quả nghiên cứu khảo cổ học - lịch sử ở vùng đất này.
Bài và ảnh: Nguyễn Thơ Đình