Chủ nhân và niên đại của thành Hoá Châu (Thừa Thiên Huế)
Lâu nay, khi đề cập đến vấn đề chủ nhân và niên đại của thành Hóa Châu, giữa các nhà khoa học vẫn chưa có quan điểm thống nhất. Về cơ bản, có hai quan điểm nổi bật: 1/ Thành Hóa Châu do Đại Việt xây dựng vào thế kỷ XIV trên lớp cư trú của người Chăm; 2/ Thành Hóa Châu do Đại Việt xây dựng trên nền cũ của một tòa thành Champa. Quan điểm này, không đưa ra niên đại cụ thể của thành.
Về vấn đề này, chúng tôi đã bàn đến trong một số bài báo. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập sâu hơn về vấn đề chủ nhân và niên đại của thành cổ Hoá Châu trên cơ sở những nguồn tư liệu mới qua những lần khai quật khảo cổ học và nghiên cứu thực địa tại thành cổ này.
Theo quan điểm của chúng tôi, để giải quyết vấn đề chủ nhân và niên đại của thành cổ Hóa Châu, cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố như địa tầng, cấu trúc thành, kỹ thuật xây luỹ thành và cần thiết phải đối chiếu, so sánh với các di tích, di vật liên quan…
- Về vấn đề chủ nhân
Thành Hóa Châu tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, bao quanh thành phần lớn là ruộng lúa, địa hình đồng bằng ở đây chỉ cao 1m – 1,5m so với mặt nước biển và phần cực Bắc của thành hiện nay chỉ cách phá Tam Giang khoảng 2,5km. Thành có cấu trúc gồm 2 vòng lũy: thành Ngoại và thành Nội (thành Cụt), với tổng kích thước chiều dài, rộng của thành gần 5 km (xem sơ đồ). Thành Ngoại có hình chữ nhật hơi bị méo và có một số chỗ không nối liền nhau, phần lớn được đắp bằng đất, một số chỗ có gia cố gạch, đá, cọc gỗ lim. Thành Nội (Thành Cụt) có hình chữ nhật, ở giữa thôn Thành Trung, nằm về phía bắc của sông Thành Trung. Cả 2 lũy thành phía bắc và phía nam đều chạy song song với lũy thành phía Bắc của thành Ngoại. Thành Nội bị san bạt nhiều, nhất là luỹ phía đông và phía bắc.
Sơ đồ thành Hóa Châu
Mặc dù có hai vòng lũy rõ ràng nhưng ở một số chỗ chẳng hạn như ở phía đông, góc thành tây - bắc hoặc ở khu tây - nam còn có một số lũy ngắn bao bên ngoài hoặc bên trong lũy thành Ngoại. Cấu trúc này càng làm cho thành Hóa Châu thêm hiểm trở, thuận lợi cho những hoạt động quân sự liên quan đến thành.
Thành được xây dựng khá quy chỉnh, triệt để tận dụng địa thế tự nhiên. Bao quanh thành là hệ thống hào nước khép kín, nối với hệ thống sông lớn (sông đào Thành Trung, sông Bồ) và phá Tam Giang, tạo thành một hệ thuỷ chằng chịt và thông suốt, góp phần tạo nên sự kiên cố thành.
Lớp cư trú Champa
Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, phía ngoài của lũy thành phía đông (thuộc phạm vi làng Kim Đôi) có một khu vực như lũy thành bao quanh, tất nhiên là không được rõ như các lũy thành khác. Lũy phía bắc chạy theo hướng đông nam - tây bắc như nối nhau với lũy thành Ngoại phía bắc, có những chỗ không nối nhau. Còn ở khu vực phía đông tiếp giáp với lũy phía đông của thành ngoại cũng có một đoạn lũy chạy song song và chiều dài, rộng tương đương với lũy thành phía đông. Lũy này có thể nằm trong cấu trúc tổng thể với khu vực thành ở làng Kim Đôi (xem sơ đồ).
Năm 2009, chúng tôi có xem lại mặt cắt lũy thành Nội do Viện Khảo cổ đào năm 1997. Sau khi nạo sạch mặt cắt, chúng tôi thấy diễn biến địa tầng lũy như sau: trên cùng là lớp đất cát pha sét rất dày, màu vàng khá thuần, lẫn nhiều hiện vật, sớm nhất là thời Trần (thế kỷ XIV). Phía dưới kế tiếp lớp đất này là một lớp đá tự nhiên (kích thước mỗi viên khoảng từ 30cm - 50cm) trên nền bằng đất cát màu nâu đen.
Gốm Champa TK: IX-X ở thành Hóa Châu
Mặt khác, địa tầng của lũy không tồn tại những lớp nhỏ do chình tường như một số lũy thành ở Bắc Bộ tiêu biểu như thành Cổ Loa, Luy Lâu.
Như vậy, cấu trúc và cách xây lũy thành Hóa Châu hoàn toàn khác so với các lũy thành ngoài Bắc. Đó là một trong những chứng cứ quan trọng chứng minh thành Hóa Châu hoàn toàn không phải do người Việt xây dựng.
Kết quả thám sát tháng 8 - 2010 của chúng tôi đã phát hiện dấu vết cư trú của thời kỳ Champa. Điều này thể hiện qua các hố đào THC10.XM9 và THC10.KTr. Lớp cư trú này nằm cách mặt bằng hiện tại khoảng từ 40cm - 50cm, dày khoảng 25cm - 30cm. Đất có màu nâu đen, lẫn nhiều tro than, mảnh gốm vỡ. Gốm có xương mịn, ít pha cát, màu đỏ nhạt, trong lớp này, cũng phát hiện gốm sứ Việt Châu – Trung Quốc niên đại khoảng thế kỷ IX-X. Ngoài ra, tại hố thám sát THC09.ĐTTX8, trong những lớp dưới cùng đã xác định được sự có mặt của gốm sứ Trung Quốc thuộc Thế kỷ XI–XII. Trong và xung quanh khu vực thành cổ Hóa Châu hiện nay còn tồn tại một số di tích và di vật Champa như phế tích đền tháp Đức Nhuận, bia Phú Lương và Lai Trung, chân trụ cửa Thành Trung, bệ thờ Thành Trung… chứng tỏ sự tồn tại của các công trình kiến trúc tôn giáo của Champa ở khu vực này. Các công trình này có khả năng phục vụ cho nhu cầu tâm linh của một bộ phận cư dân trong khu vực, trong đó trung tâm là thành Hóa Châu. Những chứng cứ này chứng tỏ sự hiện diện của cư dân Champa trong khu vực thành Hóa Châu.
Rõ ràng, các bằng chứng về cấu trúc thành, kỹ thuật xây dựng lũy thành, tầng văn hóa cũng như các di tích, di vật liên quan chứng tỏ thành cổ Hóa Châu do người Champa xây dựng. Sau khi chiếm vùng đất này vào đầu thế kỷ XIV, nhà Trần đã kế thừa tòa thành này, đồng thời gia cố thêm các bờ luỹ cho kiên cố hơn.
- Về niên đại
Trước đây, một số học giả có đưa ra quan điểm thành Hóa Châu được xây dựng trong thời kỳ Champa, nhưng không định ra một niên đại cụ thể nào. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu mới về tòa thành này trong mấy năm gần đây, chúng tôi cho rằng, thành Hóa Châu nhiều khả năng được xây dựng đầu tiên vào khoảng thế kỷ IX – X. Căn cứ để chúng tôi đưa ra quan điểm này là các hiện vật gốm (gốm đất nung bản địa và gốm men Việt Châu - Trung Quốc) phát hiện được trong tầng văn hóa Champa ở các hố thám sát THC10.XM9 và THC10.KTr. Các hiện vật gốm này được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ IX-X. Địa tầng hai hố thám sát này cũng cho thấy, từ thế kỷ IX cho đến thế kỷ XIV, đều có sự hiện diện của cư dân Champa. Trong thời kỳ này, các hiện vật gốm sứ Trung Quốc cũng được phát hiện.
Bệ thờ phát hiện trong khu vực thành Hóa Châu
Một điều cũng cần quan tâm là, các di tích và di vật Champa trong và xung quanh khu vực thành Hóa Châu phần lớn có niên đại thế kỷ IX - X. Điều này cho thấy sự phát triển thịnh đạt của vương quốc Champa dưới thời kỳ Đồng Dương/Indrapura (875-991). Giữa cuối thế kỷ thứ IX, người Chăm chuyển đô về Indrapura (nay thuộc làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), khu vực bắc Hải Vân trở thành vùng đất quan trọng ở phía Bắc, là lá chắn quan trọng cho kinh đô ở phía nam. Ở vùng đất Quảng Điền – Thừa Thiên Huế ngày nay, thành Hóa Châu được hình thành, trở thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hoá và kinh tế của một vùng – tiểu quốc của Champa, có thể là châu Ulik, tương ứng với địa bàn châu Ô theo cách gọi của Đại Việt, sau này được đổi thành Châu Hóa dưới thời Trần.
Như vậy, khoảng giữa cuối thế kỷ IX, thành Hoá Châu được xây dựng bởi người Champa và tồn tại cho đến đầu thế kỷ XIV thì bị nhà Trần chiếm giữ. Lúc đầu, thành Hóa Châu đóng vai trò hết sức quan trọng đối với Đại Việt, là lá chắn quan trọng nhất của Đại Việt ở phía cực nam, đồng thời đây cũng là bàn đạp để Đại Việt tiếp tục con đường Nam tiến. Chính vì thế, nó luôn được các triều đại của Đại Việt quan tâm xây dựng một cách kiên cố.
(Tác giả: Nguyễn Văn Quảng)
(Nguồn: Những phát hiện mới năm 2011)