Bảo vệ khẩn cấp nơi cư dân Hà Nội sống cách hơn 1000 năm trước Công nguyên

Sở VH-TT Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc tổ chức bảo vệ và giữ nguyên trạng di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Văn bản nêu rõ, vừa qua trên các phương tiện truyền thông có phản ảnh việc “Di chỉ những cư dân đầu tiên sinh sống ở Hà Nội sắp bị xoá sổ”. Trong đó nêu ý kiến của PGS TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam về di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối và có đề nghị “Có kế hoạch cũng như biện pháp khẩn cấp bảo vệ khu di chỉ Vườn Chuối”.
Trước phản ánh trên, ngày 5/12, Sở VH -TT Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Hoài Đức đã kiểm tra hiện trạng tại di chỉ Vườn Chuối. Sau khi kiểm tra, Sở VH - TT Hà Nội cho biết, địa điểm Vườn Chuối thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức là một trong những địa điểm khảo cổ học thuộc gia đoạn văn hoá Đồng Đậu trên địa bàn Hà Nội. Địa điểm này được Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện và khai quật lần đầu tiên năm 1969.
Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: PGS TS Nguyễn Văn Huy.
Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: PGS TS Nguyễn Văn Huy.

Từ đó đến nay, địa điểm này được một số cơ quan tiến hành khai quật, nghiên cứu. Lần khai quật gần đây nhất vào tháng 12/2013 do Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội thực hiện. Những đợt khai quật đã thu được hiện vật khảo cổ gồm đồ đá, đồ đồng, đồ gốm của văn hoá Đồng Đậu.

Giai đoạn văn hoá Đồng Đậu là một trong bốn giai đoạn phát triển của văn hoá Đông Sơn – từ sơ kỳ thời đại Đồng đến sơ kỳ thời đại Sắt. Giai đoạn văn hoá Đồng Đậu cách ngày nay khoảng 1500 – 1000 năm trước Công Nguyên.

Các di tích thuộc văn hoá Đồng Đậu được phân bố chủ yếu ở Trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Ở Hà Nội đã phát hiện, khai quật, nghiên cứu những địa điểm tiêu biểu như thành Dền (Mê Linh), đình Chàng (Đông Anh)...

Về hiện trạng khu vực di chỉ Vườn Chuối, Sở VH-TT Hà Nội cho biết, hiện nay, toàn bộ khu di chỉ Vườn Chuối nằm trong dự án khu đô thị của công ty xây dựng Thăng Long 9 làm chủ đầu tư. Trên toàn bộ khu di chỉ chưa có hiện tượng xây dựng các công trình lên trên. Các khu đất trống của di chỉ đang được một số hộ dân trồng cây hoa màu, trong khi dự án chưa được thực hiện. Khu vực liền kề di chỉ có một số doanh nghiệp đổ và san gạt các chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng.

Các hiện vật tìm thấy ở di chỉ khảo cổ Vườn Chuối trong các đợt khai quật. Ảnh: PGS.TS Nguyễn Văn Huy.
Các hiện vật tìm thấy ở di chỉ khảo cổ Vườn Chuối trong các đợt khai quật. Ảnh: PGS.TS Nguyễn Văn Huy.

Vì vậy, Sở VH-TT Hà Nội đề xuất UBND TP Hà Nội có văn bản tới Ban quản lý dự án Thăng Long 9, Tổng công ty cổ phần thương mại – xây dựng Việt Nam đề nghị tổ chức bảo vệ và giữ nguyên trạng khu vực di chỉ Vườn Chuối như hiện nay cho đến khi có ý kiến của UBND TP Hà Nội đối với việc bảo tồn di chỉ khảo cổ.

Trong quá trình cải tạo, xây dựng khu vực khác mà thấy có khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công rồi thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho UBND huyện Hoài Đức để được phối hợp, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Sở VH-TT, UBND huyện Hoài Đức trong việc nghiên cứu, đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối.

Bên cạnh đó, Sở VH-TT Hà Nội cũng đề nghị UBND TP Hà Nội giao huyện Hoài Đức, phối hợp với Ban quản lý dự án Thăng Long 9, Tổng công ty cổ phần Thương mại – xây dựng Việt Nam trong việc bảo vệ và giữ nguyên hiện trạng khu vực di chỉ Vườn Chuối như hiện nay cho đến khi có ý kiến của thành phố đối với việc bảo tồn di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.

Một mũi rìu bằng đồng được tìm thấy. Ảnh: PGS.TS Nguyễn Văn Huy.
Một mũi rìu bằng đồng được tìm thấy. Ảnh: PGS.TS Nguyễn Văn Huy.

Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình ở các khu vực liên quan đến di chỉ để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện các dấu tích, di vật, hiện vật.

Sở cũng đề nghị thành phố cho phép tổ chức sưu tầm tư liệu, hồ sơ khai quật di chỉ ở Vườn Chuối; tổ chức đoàn chuyên gia khảo sát hiện trạng; tổ chức toạ đàm khoa học đánh giá giá trị, hiện trạng và đề xuất phương án bảo tồn, làm cơ sở để đề xuất, tham mưu thành phố về việc bảo tồn di chỉ Vườn Chuối. Dự kiến thời gian thực hiện từ tháng 12/2017 đến quý I năm 2018.

Hà Tùng Long (http://dantri.com.vn)

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9255332
Số người đang online: 14