Bắc Kạn: Phát hiện dấu tích người tiền sử tại Ba Bể
Thứ năm, 01 Tháng 1 1970 07:00
Theo thông tin từ Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn, trên địa bàn 6 xã thuộc vùng hồ Ba Bể và lưu vực sông Năng, các nhà khảo cổ đã phát hiện ba di chỉ có dấu tích người thời tiền sử sinh sống.
Việc điều tra, thám sát khảo cổ đã được Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành trong tháng 6 và 7 năm nay.
Những di chỉ khảo cổ phát hiện mới đều phân bố dọc theo lưu vực sông Năng, địa điểm cách xa sông nhất khoảng 1km, địa điểm gần nhất khoảng 300m.
Tại khu vực Thẳm Hẩu thuộc thôn Dài Khao, xã Cao Trĩ, cách sông Năng khoảng 300m về phía Tây, các nhà khảo cổ phát hiện một mái đá lớn, mặt bằng mái đá cao hơn chân núi khoảng 40m.
Trên bề mặt mái đá có nhiều tảng đá lớn từ trần mái đá sập xuống phủ kín khắp bề mặt. Ở góc trái của mái đá nhìn từ bên ngoài vào có dấu hiệu bị đào bới do người dân địa phương khai thác phân dơi đào xới lên.
Tại vị trí này, đoàn điều tra thám sát đã tìm được 34 di vật đá do người thời tiền sử để lại, gồm các loại công cụ rìu lưỡi ngang, công cụ mũi nhọn, công cụ nạo, cắt, mảnh tước và rất nhiều vỏ ốc suối để lại trên bề mặt mái đá.
Ngoài địa điểm Thẳm Hẩu, đoàn còn phát hiện được 8 di vật đá tại Thẳm Cốc Nghịu (thôn Kéo Pựt, xã Cao Trĩ), 2 di vật đá tại Thẳm Ản (Bản Ngù, xã Cao Trĩ). Tuy nhiên, kết quả thám sát địa tầng trong hai hang đá này chưa phát hiện tầng văn hóa khảo cổ.
Theo Phó giáo sư-tiến sỹ Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học Viện Khảo cổ học Việt Nam, căn cứ vào những di vật đã phát hiện bước đầu có thể khẳng định chủ nhân của Thẳm Hẩu, Thẳm Cốc Nghịu, Thẳm Ản là người nguyên thủy thuộc thời đại đồ đá, trong đó chủ nhân của Thẳm Hẩu có nhiều sắc thái đặc trưng của người tiền sử thuộc thời kỳ đồ đá cũ.
Ở Thẳm Mỳa, đoàn điều tra đã thu được 10 di vật đá, cùng với những di vật đã phát hiện năm 2001, góp phần củng cố thêm nhận định đây là một địa điểm cư trú của người nguyên thủy thuộc hệ thống văn hóa Hòa Bình có niên đại khoảng 10.000 năm trước.
Kết quả này cho thấy trên địa bàn huyện Ba Bể, đặc biệt là địa bàn các xã thuộc lưu vực sông Năng, vùng hồ Ba Bể ngay từ thời đồ đá cũ cách đây khoảng 20.000 năm đến 10.000 năm trước Công nguyên đã có người tiền sử sinh sống.
Ở một số địa điểm như Thẳm Thinh, Thẳm Hẩu, Thẳm Mỳa..., người tiền sử đã sinh sống trong thời gian dài.
Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn tiếp tục trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí để điều tra thám sát những khu vực còn lại đồng thời có kế hoạch nghiên cứu, khai quật những di chỉ khảo cổ đã phát hiện.
- 26/11/2009 09:58 - Hội nghị lần thứ 19 của Hội tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPPA)
- 26/11/2009 09:57 - Hội thảo về khảo cổ học cộng đồng
- 26/11/2009 09:56 - Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2009 sắp diễn ra
- 26/11/2009 09:55 - Hội nghị Thông báo khảo cổ học lần thứ 44
- 26/11/2009 06:12 - Ông “khùng” ở Bát Tràng và kho báu 2.000 cổ vật
Phát hiện đầu tượng khổng lồ của vua Ai Cập
Thứ năm, 01 Tháng 1 1970 00:00
Các nhà khảo cổ vừa tìm thấy chiếc đầu làm bằng đá granite đỏ của một vị hoàng đế Ai Cập đầy quyền lực từng cai trị cách đây khoảng 3.400 năm.
Hội đồng Cổ vật tối cao Ai Cập hôm qua thông báo chiếc đầu đá có chiều cao tương đương với thân của một người thường. Theo AP, nó thuộc về một bức tượng vua Amenhotep III và được đào lên trong một đền thờ đổ nát ở phía nam thành phố Luxor, Ai Cập. Tiến sĩ Hourig Sourouzian, người đứng đầu nhóm khai quật ngôi đền, nói rằng đây là khuôn mặt tượng còn nguyên vẹn nhất của Amenhotep III mà các nhà khảo cổ tìm thấy từ trước tới nay.
"Khuôn mặt của Amenhotep III trên những bức tượng khác luôn có một thứ gì đó bị vỡ, chẳng hạn như chóp mũi. Nhưng trên khuôn mặt này, mọi thứ từ đỉnh vương miện tới cằm đều nguyên vẹn. Nó được tạc và đánh bóng rất đẹp. Chẳng có bất kỳ thứ gì vỡ", AP dẫn lời tiến sĩ Sourouzian.
Phần thân và nhiều bộ phận khác thuộc bức tượng của Amenhotep III đã được tìm thấy từ nhiều năm trước. Các nhà khảo cổ sẽ sớm ghép chiếc đầu với các bộ phận kia.
Amenhotep III là ông nội của vị hoàng đế thiếu niên Tutankhamun. Ông cai trị Ai Cập từ năm 1387 tới năm 1348 trước Công nguyên. Khi đó Ai Cập đang trong giai đoạn cực thịnh, với lãnh thổ trải dài từ Nubia ở phía nam tới Syria ở phía bắc. Nubia là một quốc gia cổ đại nằm ở phía nam Ai Cập và phía bắc Sudan ngày nay. Sau thế kỷ 20 trước Công nguyên nó bị sáp nhập vào Ai Cập.
Tiến sĩ Sourrouzian nói rằng Amenhotep III nổi tiếng vì dưới sự cai trị của ông, người dân Ai Cập đã sống trong hòa bình và thịnh vượng trong suốt vài thập kỷ. Kỹ thuật chế tác tượng của các nghệ nhân Ai Cập cũng phát triển vượt bậc trong giai đoạn mà Amenhotep cầm quyền. Điều đó giải thích tại sao các đường nét trên mặt bức tượng rất cân xứng và đẹp.
"Rất có thể diện mạo của Amenhotep III giống hệt mặt tượng. Nếu đúng thế thì ông ấy là một người điển trai", Sourouzian phát biểu.
Phần lớn đền thờ Amenhotep III bị phá hủy bởi các trận lũ lụt, chỉ còn một số bức tường vẫn còn đứng vững đến ngày nay.
- 26/11/2009 15:23 - Phát hiện hoá thạch “cụ tổ” loài cá sấu
- 26/11/2009 15:22 - Tìm thấy cung điện của Nữ hoàng huyền thoại Nhật
- 26/11/2009 15:19 - Loài tuatara tiến hóa nhanh nhất thế giới
- 26/11/2009 14:44 - Phát hiện lưới nhện thời tiền sử
- 26/11/2009 14:36 - Khai quật hóa thạch khủng long 210 triệu năm