Xây dựng bộ công cụ giám sát bảo tồn Di sản

Đây là “đơn đặt hàng” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia (Hội đồng) nhiệm kỳ (2020-2024) tại cuộc làm việc sáng 5/1.

xay dung bo cong cu giam sat bao ton di san
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia đồng hành, bổ trợ cơ quan quản lý nhà nước để công tác bảo tồn, phát huy di sản đi vào thực chất. Ảnh: VGP/Đình Nam

Trong nhiệm kỳ 2015-2019, Hội đồng đã tổ chức thẩm định được 52 di tích, 112 hiện vật, nhóm hiện vật trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận Bảo vật quốc gia.

Hội đồng đã đóng góp ý kiến, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ các hồ sơ di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc cần bảo vệ khẩn cấp.

Qua quá trình khảo sát và làm việc với các địa phương, GS. Lưu Trần Tiêu cũng nêu thực trạng các địa phương chưa quan tâm, có chế độ bảo vệ, bảo quản, bảo tồn tương xứng đối với bảo vật quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Hội đồng đề nghị Bộ VHTTDL chỉ đạo các địa phương có biện pháp, phương án cụ thể để bảo vệ và bảo quản đặc biệt đối với bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh; UBND tỉnh, thành phố quan tâm đúng mức đến việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đối với di tích quốc gia đặc biệt.

Đồng hành, hỗ trợ cơ quan quản lý

Trân trọng những đóng góp của Hội đồng trong công tác xét hồ sơ công nhận di tích các cấp rất tốt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn trong nhiệm kỳ tới (2020-2024) Hội đồng làm tốt hơn nữa hoạt động tư vấn về những vấn đề liên quan đến khoa học, công tác quản lý để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, biến thành sức mạnh để đất nước phát triển. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, từ đó hình thành cơ chế, mạng lưới đồng hành, bổ trợ cơ quan quản lý nhà nước để công tác bảo tồn, phát huy di sản đi vào thực chất.

Phó Thủ tướng chia sẻ thêm trong quá trình phát triển, nhiều nước vì sức ép tăng trưởng kinh tế nên thường không chú ý vấn đề môi trường, xã hội, văn hóa. Đến lúc nhận ra thì các nước này phải mất hàng chục năm để giải quyết ô nhiễm môi trường, và hàng thế hệ để khắc phục những bất cập xã hội, văn hóa. So với nhiều nước cùng trình độ phát triển, các chỉ số về văn hóa, xã hội, phát triển con người phát triển bền vững của Việt Nam ở thứ hạng cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân GDP tính trên đầu người.

Trao đổi về một số kiến nghị cụ thể của các thành viên Hội đồng liên quan về sự cần thiết phải có chương trình, đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, thúc đẩy dự án xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia… Phó Thủ tướng “đặt hàng” Hội đồng bàn và xem xét phương án thiết lập bảo tàng số quốc gia; nghiên cứu xây dựng bộ công cụ giám sát việc bảo tồn các di sản văn hóa trên cả nước.

xay dung bo cong cu giam sat bao ton di san
Ảnh: VGP/Đình Nam

Làm đúng, thận trọng nhưng không đủng đỉnh

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Hội đồng đã nghe báo cáo của Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long về tiến độ triển khai công tác phục dựng Chính điện Kính Thiên,

Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, thành viên Hội đồng cho biết chủ trương phục dựng Chính điện Kính Thiên vốn đã được nói từ nhiều năm trước, nhưng vẫn chưa có phương án, lộ trình rõ ràng.

GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia cho rằng Điện Kính Thiên, là di tích quan trọng bậc nhất trong Hoàng thành Thăng Long và có cơ sở để phục dựng.

GS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, người đã tham gia khai quật, nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long từ năm 2002, cho biết đối với các nhà nghiên cứu, toà chính điện luôn là biểu trưng quan trọng nhất của kinh đô, hoàng gia, đất nước, biểu trưng của “quốc thái dân an, trường thịnh phát triển, dân tộc trường tồn”. Đây cũng là biểu trưng đặc biệt của Văn hiến Thăng Long và cả đất nước.

xay dung bo cong cu giam sat bao ton di san
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Đình Nam

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng hiện nay tất cả di sản vật chất trong Hoàng thành Thăng Long là thuộc triều Nguyễn, vì vậy, chúng ta cần phục dựng những công trình kiến trúc điển hình, trước mắt là Chính điện Kính Thiên, kết hợp với các di tích, dữ liệu khảo cổ để công chúng có thể hình dung được Thành Thăng Long trong quá khứ, ở những thời kỳ huy hoàng nhất.

Còn GS. TSKH Vũ Minh Giang bày tỏ, Hà Nội được biết đến là thủ đô nghìn năm văn hiến, là niềm tự hào của mọi người Việt Nam. Chúng ta cần có biểu tượng gắn với Hoàng thành Thăng Long và không có gì tốt hơn là Điện Kính thiên. Việc phục dựng phải được coi là quyết tâm chính trị.

Qua các ý kiến, Phó Thủ tướng giao Bộ VHTTDL, TP. Hà Nội sớm báo cáo cụ thể về vấn đề này.

“Đây là việc cần làm đúng, làm thận trọng nhưng phải nhanh nhất có thể”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh Hoàng thành Thăng Long là di tích đặc biệt, quan trọng của quốc gia, vì vậy TP. Hà Nội, Bộ VHTTDL phải quan tâm hết sức sâu sát.

Tính đến cuối năm 2019, trong cả nước có trên 40.000 di tích các loại được kiểm kê; 191 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia; 63.371 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê; có 8 di tích và danh thắng được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới;13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Cho đến nay, Việt Nam đã được UNESCO ghi danh 3 di sản tư liệu thế giới; 4 di sản tư liệu Khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện nay, cả nước có 179 bảo tàng, lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có 127 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

Thời gian gần đây là một số khu di tích và bảo tàng đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên, đổi mới trưng bày và ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc giới thiệu di tích và bảo tàng, quảng bá du lịch,… nên du khách đến với di tích và bảo tàng ngày một nhiều. Nguồn thu từ phí tham quan đều tăng năm sau cao hơn năm trước.

 

Theo Đình Nam/BaoChinhphu.vn

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9023734
Số người đang online: 24