Cát Tiên, câu hỏi còn bỏ ngỏ

Cát Tiên, câu hỏi còn bỏ ngỏ

 

 

Cuối năm 1985, hai cán bộ bảo tàng địa phương đã bất ngờ phát hiện ra những dấu hiệu đầu tiên của một quần thể di tích thuộc địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Ðồng.Bắt đầu từ đây đã hé mở về một quần thể di tích vô cùng giá trị. Tháng 9-1997, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Cát Tiên là "Di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật quốc gia". Rồi tiếp đến là tám cuộc khai quật và hai cuộc hội thảo khoa học quy mô lớn. Nhưng, những gì cần quan tâm về di tích này vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết...

alt

Những phát hiện vô giá

Trong suốt hơn 20 năm, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trung tâm khảo cổ học - Viện KHXH vùng Nam Bộ và Bảo tàng Lâm Ðồng đã phối hợp tổ chức tám cuộc khai quật. Dưới lòng đất Cát Tiên đã xuất lộ dần những di vật vô cùng quý giá. Suốt dọc bờ bắc sông Ðồng Nai, trong chiều dài gần 20 km, một quần thể di tích dần dần hiện ra. Ðó là hàng chục ngôi đền tháp, đền mộ lớn nhỏ hoàn toàn khác nhau về chi tiết nhưng lại hòa quyện trong kiểu dáng, vươn lên trong một không gian huyền diệu, thể hiện một thế giới tâm linh bí ẩn, kỳ vĩ. Ðó là vô vàn những hiện vật quý báu: những cặp ngẫu tượng linga- yoni, biểu tượng của cư dân cổ xưa với tín ngưỡng phồn thực; là những bức tượng phúc thần Ganesa, Siva, Uma... bằng chất liệu đá quý, thủy tinh và kim loại. Ðặc biệt, tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện được hàng trăm lá vàng và phù điêu bằng vàng với kỹ thuật vẽ nổi và khắc chìm điêu luyện. Ở trên đó là những hình ảnh chung một chủ đề tôn giáo thần bí với tín ngưỡng "thần mẹ" như thần Siva, nam thần, nữ thần...; hình ảnh các tu sĩ, vũ nữ, người dâng lễ, chiến binh...; muông thú dưới dạng vật tổ và hoa lá...  

Hiện vật phát hiện được từ di tích Cát Tiên ngày càng nhiều và phong phú. Theo TS Lê Ðình Phụng: "Ðây là khu di tích thu được hiện vật nhiều về số lượng, các hiện vật được chế tác từ nhiều chất liệu có giá trị nhất không những ở vùng Ðông Nam Bộ mà cả vùng đất phương nam trong lịch sử. Quy mô kiến trúc, số lượng hiện vật hòa nhập với nhau thành một thể thống nhất đã khẳng định đây là một khu di tích giữ vị trí trọng yếu trong lịch sử vùng đất phương nam".

Những bí ẩn chưa được giải mã

Văn hóa Cát Tiên ra đời trong thời gian nào và thuộc phong cách nghệ thuật nào? Ai là chủ nhân thật sự của di tích Cát Tiên? Sau những phát hiện đầu tiên, các nhà khảo cổ học tại TP Hồ Chí Minh dự đoán: Cát Tiên có thể là đô thị tôn giáo của Vương quốc Phù Nam thế kỷ II - VII (SCN).

Trong hai đợt khai quật mới nhất, các nhà khảo cổ đã phát hiện một phế tích kiến trúc bằng gạch của một đền thờ có hình vuông (3,35x3,35m), tiền điện xây theo hình bán nguyệt, mà theo đánh giá là "chưa hề thấy trước đây". Cũng tại lần khai quật này còn phát hiện tượng Phật cũng "chưa hề xuất hiện trong những lần khai quật trước". Ðặc biệt là một hộp kim loại hình bầu dục dài cỡ 9x18cm bằng bạc trên nắp chạm một con sư tử oai vệ, rồi con dấu bằng đá có khắc chữ cổ và máng nước thiêng (somasutra)... Từ những gì đã thấy, TS Ðào Linh Côn cho rằng, ở đây có yếu tố văn hóa bên ngoài, rất giống văn hóa Lưỡng Hà. Còn TS Bùi Chí Hoàng bổ sung thêm: Những hiện vật phát hiện lần này là một bằng chứng cho thấy, cư dân chủ nhân của vùng đất Cát Tiên cổ xưa đã có sự giao lưu mạnh mẽ với bên ngoài, và khung niên đại của di tích này có thể sớm hơn, khoảng từ thế kỷ IV-VIII, so với nhận định trước đây là thế kỷ VIII đến X...

Vẫn là những thách thức

Những giả thiết nêu trên vẫn còn bỏ ngỏ, nó như một thách thức đối với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. "Có lẽ còn lâu mới xác định được chủ nhân của di tích Cát Tiên, vấn đề này không hề đơn giản", xin dẫn lời phát biểu của GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tại cuộc hội thảo tổ chức tháng 12-2008 để khái quát cho khó khăn này.

Tại cuộc hội thảo nói trên với sự chủ trì của Cục Di sản- Bộ VH-TT và DL, có sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu chuyên nghiên cứu về văn hóa Phù Nam, Chân Lạp, Chăm-pa và... Cát Tiên. Hội thảo này đã có 30 tham luận, ý kiến, thảo luận chung quanh các vấn đề: vị trí và giá trị của di tích văn hóa Cát Tiên trong mối quan hệ với văn hóa Óc Eo - Phù Nam, Chân Lạp và Chăm-pa; niên đại của di tích Cát Tiên; chủ nhân văn hóa Cát Tiên; khả năng và hướng tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở khoa học xây dựng hồ sơ trình UNESCO đưa di tích vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Các nhà khoa học đều thống nhất rằng, di tích Cát Tiên không chỉ có ý nghĩa lớn đối với việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ nước ta mà còn có giá trị trong khu vực. Dù vẫn còn một vài nhận thức có chỗ khác nhau, nhưng ý kiến chung đều cho rằng, khu di tích Cát Tiên là một thánh địa của tiểu vương quốc cổ chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Ðộ; Cát Tiên có mối quan hệ với Phù Nam nhưng không phải là thuộc quốc của Phù Nam, rất gần với dòng Chăm-pa nhưng không phụ thuộc vào Chăm-pa. Văn hóa Cát Tiên đứng giữa giao lưu hỗn dung cả ba nền văn hóa: Phù Nam, Chân Lạp và Chăm-pa...    

Xác định phong cách nghệ thuật, niên đại và chủ nhân của di tích Cát Tiên là một công việc có ý nghĩa vô cùng khó khăn nhưng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, vì nó chính là tiền đề cho sự hoạch định những công việc tiếp theo. Ðặc biệt, đó là yếu tố cấp thiết nhằm có cái nhìn thống nhất giúp các nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn đưa ra phương án tốt nhất cho việc bảo vệ, tu bổ và phát huy những giá trị của di tích. Việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di tích Cát Tiên là Di sản Văn hóa thế giới cũng chưa thể thực hiện khi chúng ta chưa có câu trả lời cho những vấn đề cơ bản đó. Nói vậy, nhưng ngay cả khi các nhà khoa học chưa có cái nhìn thống nhất về những câu hỏi nêu trên thì việc bảo tồn và trùng tu di tích cũng cần phải được gấp rút tiến hành. Bởi, hiện trạng của những đền tháp sau khi khai quật là thả cho mưa nắng. Thách thức cho những phế tích ở Cát Tiên là nó nằm sát bên dòng sông Ðồng Nai, ngự trong một vùng lòng chảo, lại chung sống với khí hậu nhiệt đới gió mùa nên những kiến trúc cổ này đã già cỗi lại lâm vào hoàn cảnh lão hóa nhanh hơn...

Trong khi vẫn cần có những công trình nghiên cứu chuyên ngành sâu hơn về giá trị tiêu biểu của di tích, thì, công việc cấp thiết là cần có một quy hoạch tổng quan và chi tiết đối với khu di tích. Hãy tạm dừng việc khai quật mà nên tiến hành bảo vệ và tu bổ bằng những dự án khoa học và quy mô chứ không phải là "ứng xử tạm thời".

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9021908
Số người đang online: 24