Đình làng nghệ An tồn tại hàng trăm năm nay, tuy nhiên do thời tiết, chiến tranh tàn phá và ý thức chưa đầy đủ của con người nên đã bị hư hỏng, xuống cấp. Với gần 62 ngôi đình còn lại đã cho chúng ta thấy được những nét kiến trúc bay bổng, nghệ thuật điêu khắc dân gian từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX ở cả ba vùng đồng bằng, trung du và miền núi. Trong khi đình làng miền Bắc có nét kiến trúc chữ “Nhất”, chữ “Nhị”, “Tam, “Công” thì Nghệ An còn có loại kiến trúc chữ “Khẩu và chữ “Khẩu” không khép kín.

Sau khi xuất bản tập 1, tiến sĩ Phan Xuân Thành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tiếp tục cho ra mắt bạn đọc tập 2: “Đình làng Nghệ An với lễ hội dân gian

Quyển sách này gồm 2 phần: Phần tổng quan chung giới thiệu kiến trúc đình làng cổ, điêu khắc dân gian và lời kết luận nêu lên một số đặc điểm chính của đình làng Nghệ An để bạn đọc tiện theo dõi. Phần 2, tác giả giới thiệu 35 ngôi đình còn lại (27 đình làng đã giới thiệu ở tập 1) của các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ và Hưng Nguyên.

 Xin trân trọng giới thiệu!

Ngô Thị Nhung

Chiều ngày 13/6/2016, tại Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, UBND Tp Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học đã tổ chức Báo cáo kết quả sơ bộ kết quả khai quật di tích Đông Sơn, phường Hàm Rồng, Tp Thanh Hóa năm 2016.
Tham dự buổi báo cáo của các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Thanh hóa, các đ/c Chủ tịch, Phó chủ tịch thành phố Thanh Hóa, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Quy hoạch xây dựng và đại diện của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa. PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học tham gia đồng chủ trì buổi báo cáo.

dongsonh.jpg

Toàn cảnh hố khai quật thám sát 2 (H2)

Thực hiện tinh thần Quyết định số 1428/QĐ – BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ký ngày 14/4/2016 cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật tại di tích Đông Sơn thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Sau gần 2 tháng tiến hành khảo sát, thám sát và khai quật, Viện Khảo cổ học và Sở VHTT&DL Thanh Hóa đã mở 06 hố thám sát, mỗi hố rộng 20m2 và từ những phát hiện về di tích mộ táng ở hố thám sát số 2 đã được mở rộng thành hố khai quật 100m2 đã phát lộ tầng văn hóa khảo cổ dày 0,8m với mức trên là lớp mộ táng muộn thuộc giai đoạn sau văn hóa Đông Sơn với 04 mộ đất, 01 dấu vết mộ gạch cùng với nhiều đồ sành, sứ, gốm và đất nung, mức văn hóa bên dưới là lớp cư trú của cư dân văn hóa Đông Sơn. Cả hai lớp văn hóa này đều nằm sâu dưới lớp bùn sông dày 0,6m.

PGS.TS. Nguyễn Giang Hải phát biểu ý kiến nêu bật giá trị của những phát hiện qua cuộc khai quật di tích văn hóa Đông Sơn lần này, đã khẳng định chắc chắn về sự tồn tại ổn định của di tích Đông Sơn ở khu vực phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, nơi mà lâu nay có nhiều ý kiến cho rằng di tích đã bị tàn phá và không còn khả năng tiếp tục khai quật và nghiên cứu.

Các đại biểu đã góp nhiều ý kiến về nội dung làm thế nào để phát huy những giá trị của văn hóa Đông Sơn sao cho đảm bảo vừa giữ gìn bản sắc dân tộc vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố Thanh Hóa trong giai đoạn mới.

Đ/c Nguyễn Xuân Phi, Bí thư Thành ủy Thành phố Thanh Hóa đã thay mặt Thành phố đánh giá cao giá trị của cuộc khai quật thu được. Qua đây, đ/c cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Viện Khảo cổ học đã tập trung triển khai có hiệu quả công tác khai quật và nghiên cứu di tích Đông Sơn ở Thanh Hóa.

Đ/c Đào Trọng Quy, Chủ tịch thành phố đề nghị Viện Khảo cổ học tiếp tục triển khai các giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, hướng tới xây dựng  và hoàn thiện hồ sơ di tích văn hóa Đông Sơn để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép xây dựng hồ sơ nâng hạng di tích văn hóa Đông Sơn  từ di tích cấp Quốc gia lên Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

                                                                                                                      Hải Đăng - Thu Hiền

Đợt khai quật này đã tiến hành mở 5 hố với diện tích 405 m2, trong đó có 4 hố khai quật chính và 1 hố thám sát. Các hố khai quật được hoạch định ở góc phía Đông Nam của cánh đồng Nội Cung - nơi có mặt bằng cao hơn. Hố TS ở vị trí có mặt bằng thấp hơn, nằm gần với bờ mương ngăn cách cánh đồng Nội Cung và khu Vườn Ươm, diện tích 5m2 (Bắc Nam 5m x Đông Tây 1m), cách hố 1 là 8,2 m, hướng dịch về phía Tây Nam, nhằm kiểm tra địa tầng khu vực phía Tây Nam. Trừ hố 1, nằm so le với các hố H2 và cách hố này 2m về phía Nam, thì các hố H2, H3, H4 tạo thành hình chữ L.

nam_dinh_ct.jpg

PGS.TS. Nguyễn Giang Hải và các chuyên gia tư vấn tại công trường

Kết quả khai quật cho thấy:

- Địa tầng ở khu vực các hố được khai quật tương đối giống nhau. Tuy nhiên, để quan sát được địa tầng ở từng hố lại không giống nhau. Hố 1 không có di tích nên có thể nhìn thấy địa tầng rõ ràng nhất. Các hố còn lại, muốn quan sát được địa tầng đầy đủ phải qua các hố kiểm tra nhỏ (cũng là hố thoát nước) nằm ở các góc của hố khai quật

- Các dấu tích kiến trúc được phát hiện qua các hố khai quật gồm có trụ móng của kiến trúc nhà cửa, lầu các và các cống thoát nước, cùng khá nhiều đống vật liệu kiến trúc vỡ nát. Các kiến trúc rất phức tạp, đan xen cắt xén và chồng lên nhau. Các kiến trúc đều thuộc thời Trần, nhưng được làm ở những thời gian khác nhau. Ít nhất là có 4 giai đoạn xây dựng.

- Hiện vật thu được khá nhiều trong đó chiếm số lượng lớn nhất là những mảnh sành vỡ nhỏ, nhiều khả năng là từ các trụ móng kiến trúc.

Qua kết quả khai quật, đoàn công tác đưa ra một số kết luận như sau:

- Đây là lần đầu tiên, khu vực phía Đông Nam của Nội Cung được khai quật, trùng hướng với cung Trùng Quang và Trùng Hoa. Chính vì vậy, đợt khai quật này đã đưa lại kết quả khá tốt. Với việc phát hiện ra 2 dấu vết lầu bát giác đã phần nào phản ánh tính chất của nơi này, đó là nơi nghỉ dưỡng, thư giãn của các vua Trần, mà trước đây chúng ta mới chỉ biết đến khu vực phía Tây của cung Trùng Hoa. Lần đầu tiên, dấu vết của lầu bát giác thời Trần đã được phát hiện, đặc biệt lại nằm trên đất Nam Định. Bố cục kiến trúc của nó là tư liệu tốt để so sánh với lầu bát giác thời Lý đã phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Các lầu thời Lý thường là lầu đơn. Lầu thời Trần ở khu vực Nội Cung lại là lầu đôi, đó cũng là đặc trưng của văn hóa Trần ở Nam Định.

- Các kiến trúc ở khu vực Nội Cung, qua vật liệu, đều thấy được khởi dựng khá sớm, có thể từ khoảng giữa thế kỷ 13. Các giai đoạn kiến trúc cũng cho thấy nơi đây có nhiều lần xây dựng và dấu vết cuối cùng của các kiến trúc là vào thế kỷ 14. Nhưng dù sao, đợt khai quật này cũng có ý nghĩa to lớn trong việc tìm hiểu văn hóa Trần bởi lẽ hiện vật tại đây hầu như chỉ thuộc thời Trần.

- Các dấu vết kiến trúc ở đây đã góp phần xác định được vị trí, bố cục, cấu trúc và chức năng của các di tích thời Trần ở đây. Như chúng ta đã biết, trước đây đã tìm thấy các di tích thời Trần như: Cửa Triều, đền thờ, hành cung, cung điện, vườn hoa, chùa tháp, sông ngòi, nay được biết thêm một khu thưởng ngoạn nữa của các vua Trần. Trong tương lai, nếu mở rộng khu vực này, có thể hiểu biết của chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở đây.

- Qua các hố kiểm tra, đặc biệt là hố khai quật 1, địa tầng ở Nội Cung trước lúc khởi dựng các kiến trúc là vùng sét bùn khá trũng, nhà Trần đã huy động nguồn lực khá lớn để san lấp nơi đây, có chỗ sâu hơn 1m. Đó là một nỗ lực và sự ưu ái khá lớn dành cho quê hương mình. Do xây dựng trên nền đất yếu nên các vật liệu kiến trúc ở đây có kích thước nhỏ, mỏng, chủ yếu là ngói, gạch được sử dụng rất ít.

                                                                                                                    Đức Bình - Thu Hiền

Sáng ngày 17/5, Viện Khảo cổ học tổ chức gặp mặt các nhà khoa học hiện đang công tác tại Viện nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5). Buổi gặp mặt có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo và đông đảo các cán bộ hiện đang công tác tại Viện Khảo cổ học.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, PGS. TS. Bùi Văn Liêm - Phó viện trưởng thay mặt lãnh đạo Viện Khảo cổ học đã nhấn mạnh ý nghĩa của ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là sự kiện thể hiện sự quan tâm và coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với khoa học công nghệ, với ý nghĩa nhằm tôn vinh các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung.

 

 Phát biểu của PGS. TS. Bùi Văn Liêm – Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm và truyền thống xây dựng và phát triển của Viện trong gần 50 năm qua, cũng như chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những đề xuất với các đồng chí lãnh đạo Viện nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của Viện trong thời gian tới.

Phát biểu của các nhà khoa học và cán bộ Viện

Tiếp đó, PGS. TS. Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng đã ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học và các cán bộ Viện. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Viện, PGS. TS. Nguyễn Giang Hải cũng gửi lời cảm ơn và tri ân sâu sắc đến các thế hệ cán bộ đã và đang góp sức xây dựng Viện Khảo cổ học ngày càng lớn mạnh.

Phát biểu của PGS. TS. Nguyễn Giang Hải – Viện trưởng Viện Khảo cổ học

Kết thúc buổi gặp gỡ, thay mặt lãnh đạo Viện, PGS. TS. Bùi Văn Liêm một lần nữa nhấn mạnh những đóng góp to lớn của đội ngũ các nhà khoa học của Viện trong lĩnh vực khảo cổ học, và mong muốn các nhà khoa học có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học nói chung, cũng như sự phát triển của Viện Khảo cổ học nói riêng.

Khổng Thiêm

Đầu tháng 3/2016, bố con ông Nông Văn Thành đi thả lưới đánh bắt cá trên sông Hồng, đến đoạn bờ lở chảy qua địa phận xã Đông An, huyện Văn Yên. Trong khi tìm đá để đóng cọc neo thuyền, ông Thành phát hiện hai mảnh đá có khắc hình thù lạ nên đã gửi về Chi hội Di sản Văn hóa Bảo tàng tỉnh Yên Bái giám định. Ông Lý Kim Khoa - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết đây là hai khuôn đúc rìu, đục đồng cổ bằng đá thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn có niên đại cách đây trên 2.000 năm.
 

Khuôn đúc rìu và khuôn đúc đục được phát hiện.
Khuôn đúc rìu và khuôn đúc đục được phát hiện. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN).

Các hội viên chuyên môn di sản của Bảo tàng Yên Bái phối hợp với các chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam thẩm định và xác định ban đầu hai mảnh đá có hình thù khắc lạ là khuôn đúc rìu và đục đồng cổ thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn, có niên đại khoảng trên 2.000 năm. Đó là một minh chứng khẳng định các nghệ nhân thuộc về thời đại Hùng Vương từng sản xuất các loại công cụ trên vùng đất Yên Bái. Khuôn đúc Rìu có thân dài 8,1cm; rộng 5,1cm; dày 2cm; nặng 120gam. Khuôn đúc Đục có thân dài 11,2cm; rộng 5,6cm; dày 3,2cm; nặng 360gam.

Sông Hồng chảy qua địa phận Yên Bái dài trên 115km. Từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX đến nay, người dân và cơ quan chức năng đã phát hiện trên hàng nghìn loại di vật thời đại Văn hóa Đông Sơn do đôi bờ sông lở hoặc nhân dân canh tác làm phát lộ. Các di vật gồm thạp đồng, trống đồng, đồ dùng sản xuất; đồ dùng sinh hoạt, vũ khí chiến binh và các loại đồ trang sức... Các nhà khoa học đánh giá, thạp đồng Đào Thịnh, thạp đồng Hợp Minh được phát hiện ở Yên Bái là những thạp đồng to nhất, đẹp nhất ở Việt Nam hiện nay.

Theo TTXVN/Vietnam+

  1. Mục tiêu đến năm 2020

Từ nay đến năm 2020, trên cơ sở các thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, Viện Khảo cổ học phấn đấu để đạt các mục tiêu sau:

1.1. Tiếp tục xây dựng và phát triển Viện Khảo cổ học thành một cơ sở nghiên cứu hiện đại, toàn diện về nghiên cứu khảo cổ học, có đóng góp cụ thể trong việc nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của khảo cổ học Việt Nam và khảo cổ học thế giới; Nghiên cứu những vấn đề cơ bản và cấp bách về nguồn gốc dân tộc, lịch sử văn hóa và văn minh Việt Nam nhằm phát huy truyền thống dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1.2. Nghiên cứu, biên soạn và công bố có chọn lọc một số công trình nghiên cứu cơ bản của khảo cổ học Việt Nam có chất lượng cao, đạt chuẩn khu vực và quốc tế có tác động lớn đến quá trình hoạch định chính sách bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam.

1.3. Xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà khảo cổ học của Viện với nòng cốt là đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, có khả năng giải quyết những nhiệm vụ khoa học quan trọng, tham gia có hiệu quả các chương trình nghiên cứu lớn do Nhà nước giao, các công trình hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

  1. Các nhiệm vụ đến năm 2020

2.1. Về công tác nghiên cứu:

Bám sát vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam qui định, Viện Khảo cổ học chủ trương những hướng nghiên cứu lớn từ nay đến 2020 như sau:
- Xây dựng kế hoạch 5 năm và lâu dài hơn hướng đến năm 2020 trong việc đề ra các phương hướng nghiên cứu khảo cổ học. Tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch đã đề ra, trong đó hướng đến việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản một số công trình thuộc Những vấn đề cơ bản của khảo cổ học Việt Nam, tập trung vào các vấn đề trọng điểm có chọn lọc với phương châm dứt điểm, hiệu quả, nhằm phục vụ việc nghiên cứu nguồn gốc dân tộc Việt Nam, lịch sử văn hóa và văn minh Việt Nam, phát huy truyền thống dân tộc trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

- Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng điểm về nghiên cứu khoa học do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao như: Chương trình nghiên cứu phát huy giá trị của các di tích khảo cổ học địa điểm 62-64 Trần Phú; Chỉnh lý, nghiên cứu và phát huy giá trị của di tích khảo cổ học tại khu vực bãi xe ngầm Nhà Quốc hội; Tích cực tham gia vào việc nghiên cứu khảo cổ học Óc Eo.

- Chú trọng đến công tác xây dựng và phát triển ngành khảo cổ học dưới nước, tiến hành thực hiện bước đầu một số các hoạt động khảo cổ học dưới nước nhằm góp phần tìm hiểu tài nguyên văn hóa biển góp phần phục vụ nghiên cứu lịch sử dân tộc, phục vụ bảo vệ chủ quyền an ninh lãnh thổ Việt Nam ở các vùng biển và hải đảo, phục vụ du lịch sinh thái văn hóa biển.

- Tham gia thẩm định và tư vấn về mặt khoa học các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội do Nhà nước, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương giao nhằm góp phần bảo vệ và phát huy thật tốt giá trị các Di sản văn hóa dân tộc.

2.2. Về công tác phát triển nguồn nhân lực:

- Kết hợp nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực khảo cổ học, thực hiện tốt kế hoạch đào tạo sau đại học theo quy định của pháp luật, tham gia phát triển nguồn nhân lực có trình độ theo yêu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Khoa học xã hội.
- Tổ chức và thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo theo quy định hiện hành.

- Trao đổi thông tin khoa học với các cơ quan trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; quản lý tư liệu, thư viện của Viện; xuất bản các ấn phẩm khoa học, phổ biến các kết quả nghiên cứu, truyền bá các kiến thức khoa học tới quảng đại quần chúng.

2.3. Về công tác phát triển cơ sở hạ tầng:

- Chỉnh trang và tăng cường các trang thiết bị hiện đại, phấn đấu không tụt hậu so với khu vực. Nếu có điều kiện sẽ kiến nghị với cấp trên xin chuyển đổi trụ sở 61 Phan Chu Trinh tới một địa chỉ khác rộng lớn hơn để xây dựng mới thật khang trang, rộng rãi, đáp ứng nhu cầu làm việc của Viện đặc thù trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.

- Đặc biệt chú ý trang thiết bị hiện đại cho các phòng chuyên ngành rất đặc thù của Viện là: Phòng Nghiên cứu Khảo cổ học dưới nước, Phòng Nghiên cứu Con người và môi trường cổ, Phòng Xét nghiệm và xác định
niên đại, Phòng Vẽ và phục chế, Phòng Ảnh.

- Kiện toàn hệ thống thư viện; xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử. Đầu tư phát triển các phần mềm phân tích và xử lý số liệu phục vụ nghiên cứu.

  1. Về công tác mở rộng mạng lưới cộng tác viên, quảng bá hình
    ảnh của viện

- Tăng cường quan hệ với các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước, các cơ quan hoạch định chính sách nhằm tăng cường nguồn lực nghiên cứu. - Tăng cường quan hệ với các cộng tác viên trong và ngoài nước,
khuyến khích gắn nghiên cứu lý thuyết với ứng dụng vào thực tế.

- Đầu tư cho cổng thông tin điện tử của Viện.

- Tăng cường chất lượng các hoạt động hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng của Hội nghị Thông báo Khảo cổ học toàn quốc hàng năm.

- Chú trọng công tác truyền thông, xuất bản.

  1. Hướng đột phá chiến lược

- Về khoa họcSẽ hướng tới việc hình thành, lựa chọn và biên soạn một số công trình trọng điểm trong những vấn đề cơ bản của khảo cổ học Việt Nam để xuất bản, phục vụ cho việc nghiên cứu nói chung.

- Về tổ chức nghiên cứu: Sẽ hoạt động tích cực nhằm xây dựng và phát triển bộ phận khảo cổ học dưới nước của Việt Nam, phục vụ chiến lược nghiên cứu và khai thác tài nguyên văn hóa biển của Việt Nam.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên đây, Viện Khảo cổ học cần phát huy những thành tựu cơ bản đã đạt được, chú ý đến những khó khăn, thách thức như: Các di tích khảo cổ học đã và đang bị đe dọa biến mất ngày càng nhiều. Viện chưa có được một cơ sở vật chất đủ mạnh mang tầm khu vực mà thậm chí đang tụt hậu rất xa về mặt trang thiết bị làm việc và không gian làm việc…

Mặc dù còn có các điểm yếu cần khắc phục, nhưng các thành tựu đạt được vẫn là cơ bản. Nhà nước ta đã lần lượt ghi nhận công trạng và tặng thưởng cho Viện Khảo cổ học các huân chương và danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1988, Huân chương Độc lập hạng Nhìnăm 1998, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2004, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2013. Tạp chí Khảo cổ học được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1999. Nhiều thế hệ cán bộ khảo cổ học cũng đã lần lượt nhận được Huân chương Độc lập hạng Nhất (GS. Phạm Huy Thông), hàng chục huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Huân chương Lao động, Bằng khen cấp Chính phủ và cấp Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Có được thành tựu to lớn đó là nhờ có sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các Bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh, các Hội nghề nghiệp, các trường Đại học, các cơ quan nghiên cứu khảo cổ học, bảo tồn, bảo tàng cả nước, cán bộ và nhân dân các địa phương. Viện Khảo cổ học xin được tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất và xin được đặc biệt tri ân tất cả các thế hệ cán bộ của Viện từ thời Đội Khai quật khảo cổ đến nay.

(45 năm Viện Khảo cổ học 1968-2013)

1. Thực hiện thành công hệ thống đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và thu hút nhiều nguồn lực hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài nước

45 năm qua, bám sát chức năng và nhiệm vụ được giao, Viện Khảo cổ học đã lần lượt được giao thực hiện một hệ thống các đề tài và nhiệm vụ phong phú, đa dạng trong việc nghiên cứu lịch sử - văn hóa - văn minh Việt Nam.

Không kể hệ thống đề tài cấp Viện được tiến hành đều đặn hàng năm, theo ngân sách được phê duyệt của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, từ năm 1968 đến năm 2012, Viện đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, tích cực phối hợp liên ngành, liên cơ quan lần lượt triển khai thực hiện trên 50 nhiệm vụ và đề tài do Nhà nước, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giao thực hiện, tiêu biểu là các chương trình, nhiệm vụ lớn như sau:

- Mở đầu là đề tài cấp Nhà nước Nghiên cứu thời kỳ các vua Hùng dựng nước, dưới sự lãnh đạo của Cố GS. VS. Viện trưởng Phạm Huy Thông nhằm chứng minh thời kỳ các vua Hùng dựng nước là có thật, đánh thức và huy động “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” (thơ Tố Hữu) chống Mỹ.

- Năm 1993 đến năm 1998, Viện Khảo cổ học đã thực hiện nhiệm vụ đặc biệt cấp Nhà nước do Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp giao: Nghiên cứu cơ bản khảo cổ học Trường Sa - Tây Nguyên - Nam Bộ.

- Năm 2001, khai quật và di dời 11.000m2 di chỉ khảo cổ học Lung Leng (Kon Tum).

- Năm 2005-2006, khai quật và di dời 8.000m2 di chỉ khảo cổ học PleiKrong (Kon Tum).

- Năm 2002-2008, khai quật, di dời và bảo tồn cấp thiết 33.000m2 khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

- Năm 2008-2010, khai quật, di dời 31 di tích khảo cổ học tại khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La.

- Khai quật, di dời 15 di tích ở lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.

- Năm 2011-2012, khai quật, di dời 12 di tích khảo cổ Huội Quảng - Bản Chát (Sơn La).

Song song với các nhiệm vụ chính trên đây, Viện Khảo cổ học còn được nhiều cơ quan đơn vị trong và ngoài nước mời tham gia nhiều chương trình nghiên cứu lớn khác. Thống kê sơ bộ, trong khoảng 10 năm từ năm 2002 đến năm 2012, Viện đã thực hiện 159 lượt đề tài nghiên cứu thuộc loại này. Nhiều địa phương có số lần hợp tác rất lớn như Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Khánh Hòa, trong đó có 80 cuộc hợp tác nghiên cứu khảo cổ học thời Tiền sử và Sơ sử, 79 cuộc hợp tác nghiên cứu khảo cổ học lịch sử mà điển hình là cuộc khai quật 24.000m2 di tích đàn tế Nam Giao Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa).

Có thể nói, cuối thế kỷ XX và đặc biệt trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI, Viện Khảo cổ học vinh dự được Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ lớn, nghiên cứu và khai quật các địa điểm khảo cổ học có diện tích lớn chưa từng có trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam với kết quả tốt được công luận đánh giá cao.

Với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, nhà nghiên cứu trứ danh Trần Bạch Đằng khẳng định: “Phát hiện Hoàng thành Thăng Long dưới lòng đất- Thành tựu số 1 của khoa học lịch sử Việt Nam” (Khảo cổ học số 1/2006: 68).

2. Những đóng góp to lớn vào việc nghiên cứu lịch sử dân tộc, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn hóa dân tộc

2.1. Những đóng góp vào việc nghiên cứu lịch sử dân tộc

Khảo cổ học thực chất là một ngành thuộc khoa học lịch sử, nghiên cứu lịch sử dân tộc bằng sử liệu vật thật. Theo đó, 45 năm qua, qua mỗi chặng đường nghiên cứu, Viện Khảo cổ học đã đạt được những thành tựu có giá trị cao trong việc góp phần nghiên cứu lịch sử dân tộc.

a. Nghiên cứu, lần tìm những trang sử xa xưa nhất của Tổ quốc - “thời kỳ tổ tiên của tổ tiên ta” (Phạm Huy Thông)

Trong việc nghiên cứu thời này, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: “Đối với lịch sử Việt Nam, khảo cổ học gần như giữ vai trò thống soái trong nghiên cứu thời Tiền sử, thời Sơ sử” (Phan Huy Lê 2004: 23).

Đúng vậy, 45 năm qua, Viện Khảo cổ học, cụ thể là các nhà tiền sử học của Viện đã bền bỉ vượt mọi khó khăn nguy hiểm, tiến hành khảo sát, thám sát và khai quật ở khắp các vùng núi cao, rừng rậm, lần lượt xác định bước đầu các dấu mốc của những trang sử tối cổ của Tổ quốc.

- Xác định ngọn nguồn của con người trên đất Việt Nam từ nửa triệu năm trở về trước:

Các nhà Tiền sử học của Viện đã tìm thấy dấu vết xác thực của người vượn Homoerectus ở Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn) được xác định niên đại bằng phương pháp ESR cho kết quả từ 401 ± 51 nghìn đến 534 ± 87 nghìn năm BP, xác nhận sự có mặt của người vượn Việt Nam xuất hiện ít ra cách đây khoảng nửa triệu năm.

- Xác định các trang sử tiếp theo qua việc nghiên cứu hệ thống các Văn hóa phát triển liên tục theo các giai đoạn sau:

+ Bước đầu được xác nhận con người thời đại đá cũ ở Việt Nam với 2 giai đoạn: Người Khôn ngoan (Homo sapiens) sớm và người Khôn ngoan muộn. Thuộc giai đoạn sớm có di cốt người hóa thạch ở Hang Hùm (Yên Bái) và Thẩm Ồm (Nghệ An). Những răng hóa thạch người Homo sapiens tìm thấy ở Thẩm Ồm vừa có yếu tố Homo erectus vừa có yếu tố Homo sapiens, nằm trong trầm tích Pleistocene, được dự đoán niên đại 80.000 năm. Thuộc giai đoạn muộn, có dấu tích di cốt người ở các di tích văn hóa Hậu kỳ đá cũ Ngườm, Sơn Vi, di cốt người hóa thạch ở Thung Lang (Ninh Bình), Kéo Lèng (Lạng Sơn).

+ Tham gia nghiên cứu và xác định kỹ nghệ Ngườm (Văn hóa Ngườm) là kỹ nghệ mảnh tước nhỏ tu chỉnh tồn tại trước kỹ nghệ cuội ghè niên đại từ 40.000 đến 23.000 năm cách ngày nay.

+ Tham gia phát hiện và đóng vai trò chủ chốt trong việc nghiên cứu các di tích văn hóa Sơn Vi ở Phú Thọ và hầu khắp các tỉnh miền núi và trung du Bắc Việt Nam. Niên đại văn hóa Sơn Vi tồn tại trong khung niên đại từ 30.000 đến 11.000 năm BP.

+ Cùng với việc xác định 2 kỹ nghệ Hậu kỳ Đá cũ nói trên, Viện Khảo cổ học Việt Nam bước đầu còn nhận diện 2 kỹ nghệ khác: Kỹ nghệ Nậm Tun - Bản Phố ở thượng nguồn sông Đà, Kỹ nghệ Điều ở vùng núi đá vôi miền Tây Bắc Thanh Hóa. Việc nghiên cứu các kỹ nghệ nói trên mới được bắt đầu và sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

- Nghiên cứu và nhận thức mới về Văn hóa Hòa Bình-Văn hóa Bắc Sơn:

Văn hóa Hòa Bình và Văn hóa Bắc Sơn do người Pháp định danh với niên đại Đá cũ, Đá giữa và Đá mới.

Với các kết quả nghiên cứu mới, Viện Khảo cổ học xác định phần lớn các di tích văn hóa Hòa Bình thuộc thời đại Đá mới - Thời đại xuất hiện rìu mài lưỡi, bước đầu xuất hiện nông nghiệp sơ khai và sử dụng đồ gốm. Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam có số lượng di tích nhiều nhất, niên đại sớm nhất (17.000 - 7.000 năm BP) và là hiện tượng văn hóa chung của Đông Nam Á lục địa.

Ở vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Viện Khảo cổ học cũng tập trung nghiên cứu địa điểm Soi Nhụ và một số địa điểm khác niên đại có cùng bình tuyến với văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Có nhiều khả năng xác lập một nhóm di tích sơ kỳ đá mới riêng biệt cho cả vùng duyên hải vùng Đông Bắc nước ta.

- Góp phần xác định những con đường tiến lên Hậu kỳ Đá mới ở Việt Nam:

Sau bình tuyến Hòa Bình - Bắc Sơn, việc xác lập các văn hóa khảo cổ thời đại Đá mới ở Việt Nam được xem là một trong những thành tựu quan trọng của khảo cổ học Việt Nam thế kỷ 20. Kế thừa các thành tựu nghiên cứu của người Pháp, Viện Khảo cổ học đã tích cực nghiên cứu góp phần xác định rõ các con đường phát triển sau Hòa Bình - Bắc Sơn gồm: Văn hóa Đa Bút (Thanh Hóa, Ninh Bình); Nhóm di tích hay văn hóa Cái Bèo (Hải Phòng - Quảng Ninh); Văn hóa Quỳnh Văn (Nghệ An - Hà Tĩnh). Ở miền Trung có di tích Bàu Dũ (do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nghiên cứu). Đó là 4 con đường tiến lên Hậu kỳ đá mới ở Việt Nam.

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu phân lập các văn hóa Hậu kỳ đá mới: Vào những năm cuối thế kỷ XX, Viện Khảo cổ học đã tập trung nghiên cứu và phân lập được 5 văn hóa trên tổng số 7 văn hóa Hậu kỳ đá mới ở Việt Nam: Văn hóa Hà Giang; Văn hóa Mai Pha; Văn hóa Biển Hồ; Văn hóa Buôn Triết; Văn hóa Lung Leng.

Các văn hóa Hạ Long, Văn hóa Bàu Tró vốn đã được nghiên cứu từ trước, Viện Khảo cổ học tham gia nghiên cứu làm rõ thêm nhiều điểm mới.

Như vậy, có thể nói khảo cổ học tiền sử của Viện được mùa lớn trong việc nghiên cứu các văn hóa Đá mới ở Việt Nam.

b. Nghiên cứu chứng minh thời kỳ các vua Hùng dựng nước là có thật, góp phần quyết định đưa thời kỳ này vào Chính sử Việt Nam và ngày càng nhận diện rõ hơn thời kỳ sơ sử và nhà nước sơ khai ở Việt Nam:

Trước khi Viện Khảo cổ học tiến hành thực hiện đề tài này, tất cả các cuốn sử Việt Nam, từ Đại Việt sử lược thời Trần, Đại Việt sử ký toàn thư thời Lê, Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn cho đến Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim … khi viết lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến thời Thục An Dương Vương đều coi đây là thời kỳ truyền thuyết mà gốc của nó như Sử thần nổi tiếng Ngô Sĩ Liên thời Lê sơ nói là “ở dã sử” (ĐVSKTT tập I, 1998: 103). Sử gia Đào Duy Anh bàn về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam thời kỳ này gọi là “Nguồn gốc truyền kỳ” (Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Nxb. Thế giới, 1950: 11).

Riêng đối với các học giả phương Tây, sự rực rỡ của văn hóa Đông Sơn được họ xem là kết quả của các cuộc thiên di dài dằng dặc từ tận châu Âu xa xôi qua Trung Hoa tràn tới. Do tính cấp thiết như vậy, trong muôn vàn khó khăn của cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, trong các năm 1968 - 1970 Viện Khảo cổ học dưới sự lãnh đạo của UBKHXH Việt Nam và Viện trưởng Phạm Huy Thông đã thực hiện đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu thời kỳ Các vua Hùng dựng nước, lôi cuốn được hầu hết các trí tuệ đầu ngành của các nhà khảo cổ học, sử học, dân tộc học, bảo tàng học, địa lý học lịch sử, văn hóa dân gian… tham gia nghiên cứu.

Kết thúc đề tài, các nhà khoa học đã xác định rõ được thời đại các vua Hùng dựng nước là có thật, bác bỏ thuyết phục luận điểm nguồn gốc thiên di của dân tộc Việt Nam, vén đám mây mù huyền thoại để đến cái “lõi” sự thật lịch sử của thời kỳ này là 4 giai đoạn văn hóa vật chất phát triển liên tục từ 2.000 năm trước Công nguyên đến 1 - 2 thế kỷ đầu Công nguyên: Đó là phổ hệ văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn ở khắp khu vực Bắc Việt Nam.

Năm 1971, lần đầu tiên, thành tựu nghiên cứu này đã chính thức được đưa vào bộ thông sử quốc gia Việt Nam, góp phần xứng đáng vào việc phục vụ công cuộc thức dậy quá khứ 4.000 năm vào trận chiến thắng Mỹ thống nhất nước nhà (Lịch sử Việt Nam, tập I Nxb. KHXH năm 1971, Hà Nội).

c. Góp phần nghiên cứu làm rõ diễn biến văn hóa của thời kỳ Sơ sử và Nhà nước sớm ở miền Trung và Nam Bộ

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Viện Khảo cổ học cùng các nhà khảo cổ học cả nước tham gia nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ các nội dung của văn hóa Sa Huỳnh và tiền Sa Huỳnh, văn hóa Đồng Nai và tiền Đồng Nai. Một mặt, Viện đã điều động một số cán bộ vào xây dựng bộ phận khảo cổ học phía Nam, mặt khác, các cán bộ của Viện tiếp tục trực tiếp tham gia các chương trình nghiên cứu khảo cổ học ở khu vực miền Trung và Nam Bộ.

Ở khu vực miền Trung, cán bộ của Viện đã tham gia xác định các bước tiến lên văn hóa Sa Huỳnh gồm: Giai đoạn Xóm Cồn; Giai đoạn Long Thạnh; Giai đoạn Bình Châu. Trong các giai đoạn này, Viện đã khai quật và nghiên cứu di chỉ Bình Châu. Đối với Văn hóa Sa Huỳnh, Viện đã tham gia phát hiện và khai quật các di chỉ quan trọng của văn hóa Sa Huỳnh: Tam Mỹ, Đại Lãnh, Quế Lộc, Phú Hòa, Suối Chồn, Bầu Hòe, Động Láng, Hòn Đỏ II, Pa Xua, Tiên Hà, Phước Hải, Cồn Ràng...

Ở Nam Bộ, các cán bộ của Viện cũng tích cực phối hợp với các nhà khảo cổ học phía Nam và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tham gia nghiên cứu làm rõ quá trình tiến lên văn hóa Đồng Nai ở Đông Nam Bộ là các giai đoạn: Cầu Sắt - Bến Đò - Cù Lao Rùa - Dốc Chùa.

Các cán bộ Viện cũng đã tham gia khai quật gò Cao Su, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, góp phần làm rõ sự phát triển văn hóa sau Dốc Chùa.

Như vậy, song song với việc làm rõ tính xác thực của thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên ở phía Bắc, Viện cùng với các nhà khảo cổ học cả nước nghiên cứu góp phần làm rõ hệ thống phát triển liên tục của các văn hóa thời Sơ sử và Nhà nước sớm ở 3 miền với 3 trung tâm, 3 hệ thống văn hóa phát triển tại chỗ, liên tục, bước đầu phác lên một bức tranh toàn cảnh hết sức sống động của thời kỳ dựng và giữ nước đầu tiên trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

d. Đẩy mạnh việc nghiên cứu toàn diện các vấn đề khoa học thuộc các thời kỳ lịch sử

Về vai trò của khảo cổ học Việt Nam trong thời kỳ này, GS. NGDN. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định:

“Khảo cổ học là người bạn đồng hành với sử học trong nghiên cứu thời Cổ - Trung đại cho đến thời Cận - Hiện đại. Nhiều phát hiện của các nhà khảo cổ học với giá trị chân thực của các di tích, di vật đã buộc các nhà sử học phải xem xét lại nhận thức của mình và cùng nhau nâng cao trình độ của khoa học lịch sử cho phù hợp hơn với đối tượng là lịch sử khách quan luôn tồn tại ngoài ý thức của nhà khoa học” (Khảo cổ học số 5/2004: 23). Theo đó, Viện Khảo cổ học đã tham gia góp phần nghiên cứu lịch sử thời Cổ - Trung đại và Cận đại Việt Nam một số vấn đề cơ bản như sau:

d.1. Góp các chứng lý vật chất về sức sống của văn hóa Việt và người Việt trong đêm trường nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc.

Sau thời kỳ Hùng Vương dựng nước, các chứng cứ của văn hóa Việt tồn tại như thế nào trong khi mà khắp Bắc Việt Nam thời kỳ này dường như chỉ tồn tại các chứng cứ văn hóa Hán, mà tiêu biểu là hệ thống mộ gạch Hán. Dấu tích văn hóa Đông Sơn rực rỡ một thời hầu như bị biến mất, phải chăng Bắc Việt Nam bị Hán hóa hoàn toàn?

Nhận thức rõ vai trò khảo cổ học trong việc giải quyết vấn đề này, Viện Khảo cổ học đã tập trung nghiên cứu đề tài “Văn hóa Việt Nam 10 thế kỷ sau Công nguyên”. Viện đã nghiên cứu và chứng minh rằng có một hệ thống các chứng cứ vật chất của người Việt (mộ thuyền, mộ đất, đồ gốm…) luôn luôn tồn tại bền vững, song hành với truyền thống mộ gạch Trung Hoa mặc dù văn hóa Việt không chối bỏ giao lưu với văn hóa Trung Hoa. Điều đó chứng minh rằng vì sao trong suốt đêm trường nghìn năm Bắc thuộc khốc liệt, người Việt vẫn kiên cường bám trụ và liên tục khởi nghĩa để dần dần tiến lên giành lại độc lập hoàn toàn vào thế kỷ X. Hệ luận tất yếu được rút ra là:

- Trong khoảng 10 thế kỷ Bắc thuộc, tuyệt đại đa số người Việt, chủ nhân văn hóa Đông Sơn không hề bị đồng hóa, dồn ép đi nơi khác mà lúc nào cũng có mặt trên đất nước họ, liên tục, bền bỉ gìn giữ, giao lưu và phát triển truyền thống văn hóa bản địa.

- Đến thế kỷ X, mộ gạch Trung Hoa thì tuyệt tích, trong khi mà các mộ thuyền, mộ đất Việt vẫn tồn tại và phát triển chứng minh sự tồn tại liên tục của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.

“Chính nhờ chống Hán, Đường mà ta vẫn là ta” là kết luận lớn mà Viện Khảo cổ học rút ra sau khi kết thúc việc thực hiện đề tài này (Khảo cổ học số 1/1980: 1-5). Thành tựu quan trọng đó cũng góp phần lý giải thuyết phục cho hiện tượng “phục hưng” rực rỡ của văn hóa Đại Việt thế kỷ X-XV.

d.2. Làm sáng tỏ thêm lịch sử và văn hóa các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý -Trần - Lê sơ - Lê- Mạc - Lê Trung hưng và Nguyễn.

Theo sử sách, các triều đại này nối tiếp trong lịch sử Việt Nam với võ công giữ nước hiển hách, văn chương phát triển rực rỡ.

Khảo cổ học lịch sử qua việc lần tìm các dấu tích kiến trúc cung điện, thành quách, chùa tháp, đình chùa, miếu mạo, các thương cảng, các lò gốm, các di tích chiến trường, tàu đắm… của các triều đại, qua đó đã từng bước làm rõ và chứng minh: Không chỉ có võ công và văn chương học thuật, thời kỳ này còn có các thành tựu nghệ thuật rực rỡ, giàu bản lĩnh sáng tạo và mang đậm bản sắc Việt Nam. Đỉnh cao của việc nghiên cứu thời kỳ này là cuộc khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu.

Lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam, có một cuộc khai quật được Bộ Chính trị đánh giá: “Quá trình khảo cổ để phát hiện được những di tích và hiện vật tại khu vực phía tây (của) Hoàng thành Thăng Long xưa, cùng một số lượng lớn các hiện vật phong phú, quý giá gắn với lịch sử hơn 1.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, của Thủ đô Hà Nội, với các văn hóa kế tiếp nhau qua các thời kỳ từ thế kỷ thứ VII tiếp nối đến thời đại Hồ Chí Minh. Kết quả khai quật giúp chúng ta thêm hiểu rõ và tự hào về lịch sử dân tộc, về Thủ đô Hà Nội” (Thông báo số 126/TB/TW của Bộ Chính trị ngày 05/11/2003).

Tổng hợp các thành tựu của khảo cổ học lịch sử do Viện Khảo cổ học thực hiện, cùng hệ thống di tích khảo cổ học lịch sử được nghiên cứu trên phạm vi toàn quốc, có thể khái quát hai giá trị nổi bật như sau:

- Giá trị thứ nhất: Các di tích khảo cổ học lịch sử đã chứng minh tiềm lực và trình độ cao của văn hóa, văn minh Việt Nam. GS. Inoue, chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu kinh thành Nhật Bản (đại học Meiji, Tokyo) khi tham quan và nghiên cứu khu di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2004 đã đánh giá: “Qua những di tích kiến trúc, chúng ta hiểu biết được rằng lúc đó trình độ văn hóa của dân tộc Việt Nam rất cao” (Hoàng thành Thăng Long, phát hiện khảo cổ học, Hội Sử học Việt Nam xuất bản năm 2004: 134).

- Giá trị thứ hai: Khẳng định và chứng minh trong giao lưu phong phú và rộng mở với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, văn hóa và văn minh Việt Nam đã thể hiện được sự hội tụ và kết tinh các tinh hoa văn hóa của khu vực và văn hóa bản địa để sáng tạo nên một nền văn minh Đại Việt phong phú mang đậm sắc thái Việt Nam (trích ý của Quyết định số 34 COM8B.22 năm 2010 của Ủy ban Di sản Thế giới đánh giá giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long).

Các giá trị trên đây hiển nhiên bác bỏ các quan điểm sai lầm một thời từng lưu hành rằng văn minh Đại Việt bắt nguồn từ văn minh Trung Hoa, khẳng định và chứng minh rõ ràng bản sắc văn hóa, văn hiến Việt Nam đúng như các danh nhân văn hóa Việt Nam như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn… từng khẳng định.

d.3. Tham gia nghiên cứu văn hóa Champa

Trước năm 1975, khảo cổ học Champa được các học giả phương Tây đặc biệt chú ý đến các đền tháp.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Viện Khảo cổ học đã chú ý nghiên cứu các tòa thành Chăm, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự của Champa qua các khu vực khác nhau như thành Thi Nại, An Thành, Chà Bàn, Châu Sa, Trà Kiệu... Không chỉ chú ý nghiên cứu cấu trúc, quy mô, khảo cổ học đã đi sâu vào nghiên cứu tìm hiểu các di tích cư trú trong và ngoài các tòa thành.

Viện cũng đã chú ý hợp tác nghiên cứu các di tích Chăm trong sự tiếp nối và tiếp biến với di tích Việt như từ thành Trà Kiệu đến thành Hoàng Đế thời Tây Sơn, từ một trung tâm cư trú Chăm tiến lên thành Hóa Châu thời Trần…

Viện Khảo cổ học đã hợp tác nhiều năm với các nhà khảo cổ học Nhật Bản, Bỉ trong nhiều năm trong việc làm rõ trung tâm sản xuất gốm Gò Sành, Trương Cửu. Đẩy mạnh nghiên cứu gốm Chăm và các thương cảng Chăm. Bước đầu đã tham gia nghiên cứu cảng Đại Chiêm (Hội An), Mai Xá (Quảng Trị), Cách Thử, Thị Nại (Bình Định).

Từ các kết quả nghiên cứu này, Viện Khảo cổ học đã góp phần làm sáng tỏ diễn biến của văn hóa Chăm, quá trình giao lưu hòa hợp văn hóa Việt - Chăm.

d.4. Tham gia nghiên cứu nguồn gốc, nội dung và diễn biến của văn hóa Óc Eo.

Văn hóa Óc Eo đã được nghiên cứu và định danh từ thời Pháp thuộc. Sau năm 1975, bộ phận khảo cổ học phía Nam đã tiếp tục nghiên cứu nhiều di tích kiến trúc Óc Eo.

Theo chương trình của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Viện Khảo cổ học chủ trương đẩy mạnh việc nghiên cứu văn hóa Óc Eo với mục tiêu chủ đạo là cùng với việc tiếp tục nghiên cứu các di tích kiến trúc, chú ý hơn đến việc nghiên cứu nguồn gốc văn hóa Óc Eo, diễn biến của văn hóa Óc Eo qua việc tăng cường nghiên cứu các di chỉ cư trú, tăng cường nghiên cứu đồ gốm. Theo đó, Viện Khảo cổ học đã có các cuộc khai quật di chỉ và di tích Gò Cây Tung, Gò Tháp, Gò Thành Mới, Ấp Nhơn Thành, Bình Thạnh, gò Cao Su, Đá Nổi, Nền Vua, Cát Tiên... Các đợt nghiên cứu này đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục toàn diện hơn đời sống cũng như các sắc thái văn hóa của cư dân Óc Eo, góp phần làm rõ nguồn gốc bản địa của văn hóa Óc Eo với việc khẳng định có nhiều con đường Tiền Óc Eo tiến lên Óc Eo ở vùng đất Nam Bộ. Các con đường đó được gợi mở phần nào qua việc nghiên cứu các di chỉ Gò Cây Tung, Gò Tháp, Gò Cao Su, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, Giồng Nổi... Diễn biến văn hóa Óc Eo và diễn biến từ văn hóa Óc Eo sang Hậu Óc Eo cũng bước đầu được khơi gợi và do đó góp phần khẳng quyết hơn nguồn gốc bản địa của văn hóa Óc Eo.

2.2. Cung cấp nguồn sử liệu có giá trị khoa học cao góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam

Nhận thức vai trò to lớn của khảo cổ học trong việc nghiên cứu lịch sử dân tộc gắn với việc góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, liên tiếp trong các năm 1993, 1994, 1995, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao Viện Khảo cổ học tiến hành chương trình đặc biệt Điều tra, nghiên cứu cơ bản khảo cổ học Trường Sa - Tây Nguyên - Nam Bộ. Đề tài đã được Viện Khoa học xã hội Việt Nam chỉ đạo tiếp nối trong các năm 1996, 1997, 1998 và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Ở Quần đảo Trường Sa đã phát hiện các dấu tích của người Việt liên tục có mặt ở đây từ khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XIX-XX. Đó là kết quả rất lớn của khảo cổ học Việt Nam và qua đó chúng ta chứng minh rất rõ chủ quyền của Việt Nam từ rất sớm tại quần đảo Trường Sa.

Riêng đối với Hoàng Sa, ngay từ năm 1979, cán bộ của Viện đã có sách Hoàng Sa quần đảo Việt Nam (Văn Trọng: Hoàng Sa quần đảo Việt Nam, Nxb KHXH, 1979).

Ở khu vực Tây Nguyên, một hệ thống gần 150 di tích tiền, sơ sử và lịch sử cũng đã được phát hiện và nghiên cứu. Đã làm rõ và phân lập được một hệ thống các Văn hóa Tiền sử ở Tây Nguyên trong mối quan hệ giao lưu rộng mở để tiến tới hòa hợp dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ở Nam Bộ, như đã trình bày ở trên, Chương trình đã tập trung nghiên cứu gợi mở các con đường tiến lên văn hóa Óc Eo và đặc trưng văn hóa Óc Eo... Tổng kết chương trình, GS. NGND Hà Văn Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học khẳng định hai thành tựu chính: Thứ nhất: “Chúng ta đang có cơ may tìm được nguồn gốc một nền văn minh: Văn hóa Óc Eo”; Thứ hai: “Các văn hóa tiền Óc Eo, và do đó cả văn hóa Óc Eo là của những người nói tiếng Nam Đảo chứ không phải là người Khơme… Đây là giả thuyết khoa học nhưng đồng thời cũng có ý nghĩa chính trị” (Khảo cổ học Trường Sơn - Tây Nguyên - Nam Bộ 1996, Tư liệu Viện Khảo cổ học: 6-7). Các kết luận này hiển nhiên còn mang tính giả thuyết, nhưng là những giả thiết có cơ sở khoa học bước đầu đáng tin cậy. Nó giúp chúng ta các chứng lý khoa học lịch sử vững chắc khẳng định chủ quyền dân tộc ở khu vực Nam Bộ.

Các chương trình nghiên cứu trên đây vẫn đã và đang được tiếp tục nghiên cứu lâu dài.

2.3. Góp phần bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc và xây dựng thành công các hồ sơ Di sản Thế giới

Các di sản khảo cổ học là một bộ phận quan trọng mật thiết trong hệ thống các di sản văn hóa dân tộc. Nét đặc biệt của loại hình di sản này là cực kỳ dễ bị phá hủy và thực tế nhiều di tích khảo cổ học ở Việt Nam đã bị hủy hoại rất nghiêm trọng. Các di tích khảo cổ nổi tiếng như Đông Sơn, Làng Vạc, Phùng Nguyên…. gần như đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Công ước Quốc tế khảo cổ học Lausanne của UNESCO nhấn mạnh: Di sản khảo cổ học là một loại hình cực kỳ mong manh và không thể tái sinh. Mong manh nghĩa là di sản rất khó bảo tồn; Không thể tái sinh nghĩa là một khi di tích đã mất đi là mất đi vĩnh viễn.

Từ 45 năm trước, khi động viên các nhà khảo cổ học tập trung nghiên cứu thời các vua Hùng, vua Thục, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ rõ điều này và căn dặn: “Đất nước ta có thể tàng trữ những di vật quý báu không những đối với ta mà còn đối với nhiều nước trên thế giới. Những di vật ở dưới lòng đất là một kho tàng rất quý báu vô giá. Nếu để mất đi thì không có cách gì lấy lại được. Nếu không giữ gìn, có thể nó mất đi, mất thì hết…Phải tìm cách giữ gìn cho được, bảo tồn cho được” (Khảo cổ học số 1/ 1969: 9-10).

Như vậy, khảo cổ học dưới góc độ của mình nhất thiết phải tham gia mạnh mẽ vào công tác bảo tồn Di sản văn hóa dân tộc. Thực tế, trong những năm qua, Viện Khảo cổ học đã góp phần bảo tồn di sản dân tộc trên các phương diện: Phát hiện, nghiên cứu, đánh giá giá trị di tích, đề xuất, kiến nghị các cấp độ bảo tồn di tích; Xử lý bảo tồn cấp thiết tại chỗ ngay khi di tích được xuất lộ, hoặc di dời, bảo quản cấp thiết di tích khi được các cấp có thẩm quyền yêu cầu; Cung cấp các dữ liệu di tích để các nhà Bảo tồn học xử lý bảo tồn, xây dựng các kế hoạch, nhiệm vụ tôn tạo di tích.

Xây dựng các hồ sơ khoa học chính là một cấp độ bảo tồn di tích. Theo đó, Viện Khảo cổ học có trên 670 bộ hồ sơ bao gồm báo cáo khoa học, bản vẽ, bản ảnh, bản dập, nhật ký khai quật đang được lưu trữ cẩn thận. Hàng loạt hồ sơ đã được các nhà Bảo tồn học tham khảo phục vụ việc bảo vệ, bảo tồn và trùng tu.

Viện Khảo cổ học đã chủ trì nghiên cứu, đánh giá giá trị và tư vấn để Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đề xuất bảo vệ, bảo tồn toàn bộ Di sản Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, tham gia xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, phụ lục hồ sơ và các giải trình hồ sơ Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Đã nghiên cứu, cung cấp tư liệu khảo cổ học và chủ trì xây dựng hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ lần thứ 2, xây dựng các phụ lục hồ sơ, kế hoạch quản lý, giải trình chất vấn cho hồ sơ di sản Thành Nhà Hồ.

Tham gia nghiên cứu, xây dựng hồ sơ Di sản Thế giới Tràng An.

Trong các di sản trên đây, Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành Nhà Hồ đã trở thành Di sản Thế giới. Di sản Tràng An đang được xem xét với tín hiệu khả quan từ UNESCO.

Hiện nay, công tác xây dựng quy hoạch khảo cổ học nhằm bảo vệ tốt các di sản khảo cổ học trong mối quan hệ hài hòa với công tác xây dựng đang được một số địa phương quan tâm. Viện Khảo cổ học và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa đã đi đầu trong việc điều tra, nghiên cứu xây dựng quy hoạch khảo cổ học Khánh Hòa. Sắp tới Viện đã và đang khởi động chương trình xây dựng quy hoạch khảo cổ học với Hà Nội, Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bắc Ninh v.v… Hy vọng công tác quan trọng này sẽ có thành tựu bước đầu trong thời gian tới.

Với các thành tựu bảo tồn tiêu biểu nói trên, PGS. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa đánh giá: “… Với những hoạt động có hiệu quả thiết thực, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Viện Khảo cổ học đã và đang đóng vai trò tích cực trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc” (Khảo cổ học số 5/2004: 36).

2.4. Tích cực hợp tác quốc tế, tích cực tuyên truyền quảng bá tri thức khảo cổ học với công chúng và bạn bè quốc tế

Không ngừng nâng cao trình độ tri thức, Viện Khảo cổ học đã thu hút sự chú ý của hàng loạt các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu khảo cổ học quốc tế tham gia phối hợp nghiên cứu như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Bỉ, Bungari, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, v.v…, các tổ chức khảo cổ học quốc tế lớn IPPA, SPAFA, Nabunkens… Thông qua các tổ chức khảo cổ học và các nhà khoa học quốc tế, Viện đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế lớn như Hội nghị Văn hóa Hòa Bình năm 1993, Hội nghị Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam (2001), Hội nghị Tiền sử Châu Á - Thái Bình Dương (IPPA 2009), hai Hội nghị tư vấn quốc tế về việc bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long.

Trên 2.000 bài báo đăng trên 180 số tạp chí Khảo cổ học có chất lượng được công luận khoa học đánh giá cao.

Cùng đó, hệ thống sách có giá trị khoa học lớn cũng đã được in ấn vừa phục vụ việc quảng bá Di sản vừa phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học. Tiêu biểu là các bộ sách lớn như: Hùng Vương dựng nước (4 tập), Trống đồng Đông Sơn, Văn hóa Đông Sơn, Khảo cổ học Việt Nam (3 tập), Hoàng thành Thăng Long, Hoàng thành Thăng Long - Lịch sử nghìn năm từ lòng đất, Thành Nhà Hồ, 47 tập kỷ yếu các Phát hiện khảo cổ học mới hàng năm và hàng trăm đầu sách của các cán bộ nghiên cứu khảo cổ học.

Cụm công trình Khảo cổ học Tiền sử và Sơ sử Việt Nam của GS. Phạm Huy Thông, Theo dấu các nền văn hóa cổ của GS. Hà Văn Tấn được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Sách Hoàng thành Thăng Long năm 2008 do PGS. TS. Tống Trung Tín chủ biên được sử dụng làm quà tặng cho các nguyên thủ Hội nghị APEC của Nhà nước.

Công trình Hoàng thành Thăng Long - Lịch sử nghìn năm từ lòng đất và Thành Nhà Hồ do PGS. TS. Tống Trung Tín chủ biên được trao giải Bạc sách hay.

Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, ngoài một số công trình nghiên cứu khảo cổ học của người Pháp để lại, có thể nói Khảo cổ học Việt Nam là một con số “không” tròn trĩnh.

Năm 1958, hoạt động khảo cổ học đầu tiên của ngành Khảo cổ học Việt Nam là các hoạt động “chữa cháy” mộ gạch Tam Thai và mộ hợp chất Nông Cống (Thanh Hóa) do PGS. TS. Hoàng Xuân Chinh và ông Nguyễn Ngọc Bích chủ trì (Khảo cổ học, số 5/2008: 104).

Khoảng năm 1960, Đội Khảo cổ học Việt Nam đầu tiên được thành lập trực thuộc Vụ Văn hóa Quần chúng - Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có trụ sở tại 22 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Năm 1963, Bộ Văn hóa ra Quyết định số 511/VH-QĐ ngày 08/10/1963 thành lập Đội Khai quật khảo cổ trực thuộc Vụ Bảo tồn Bảo tàng và chuyển trụ sở từ 22 Hai Bà Trưng về 61 Phan Chu Trinh, Hà Nội, với 18 đội viên do ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam kiêm nhiệm làm Đội trưởng.

Cán bộ của Đội lúc đó chủ yếu là các cán bộ kỹ thuật khai quật, cán bộ 5 vẽ, chụp ảnh, phục chế hiện vật và chủ yếu là tiến hành khai quật “chữa cháy”, điều tra, phát hiện và bước đầu thu thập tư liệu (Khảo cổ học số 5/2008: 103-107).

Trong khoảng các năm 1960-1964, ở Việt Nam bắt đầu có sự đào tạo một số sinh viên khảo cổ từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và một số khác (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tốt nghiệp từ Liên Xô, Trung Quốc về bổ sung cho Đội.

Năm 1966, theo nhu cầu phát triển của khảo cổ học Việt Nam, Trung ương đã cho phép Bộ Văn hóa chuyển giao toàn bộ biên chế Đội Khai quật khảo cổ, trang thiết bị, trụ sở làm việc giao Viện KHXH Việt Nam quản lý. GS. Ca Văn Thỉnh, sau đó là GS. Phạm Huy Thông trực tiếp là Đội trưởng.

Từ Đội Khai quật khảo cổ học này, hai năm sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 59-CP ngày 14/5/1968 chính thức thành lập Viện Khảo cổ học Việt Nam trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, GS. VS. Phạm Huy Thông là vị Viện trưởng đầu tiên.

Ban đầu thành lập, quy mô của Viện còn rất khiêm tốn với khoảng 40 cán bộ. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ khi đó gọi là tổ. Có tất cả 10 tổ chuyên môn - nghiệp vụ gồm: Tổ Đá cũ (gồm cả bộ môn Cổ nhân - Cổ sinh), Tổ Đá mới, Tổ Đồng và Sắt sớm, Tổ Phong kiến, Tổ miền Nam, Tổ Khai quật, Tổ Hành chính Quản trị, Tổ Tư liệu, Tổ Tạp chí, Tổ Kỹ thuật.

Năm 1978, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ban hành cơ cấu mới của Viện Khảo cổ học, theo đó các tổ nghiên cứu đổi tên là Ban, các tổ chức năng nghiệp vụ gọi là Phòng.

Năm 1976, đất nước thống nhất, Tổ miền Nam được chuyển vào thành bộ phận khảo cổ học phía Nam trực thuộc Viện KHXH tại Tp. Hồ Chí Minh.

Đầu năm 1995, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ban hành cơ cấu mới của Viện Khảo cổ học. Tất cả các Ban được đồng loạt đổi gọi là Phòng. Cùng đó, bộ phận Cổ sinh-Cổ nhân tách ra khỏi Ban Đá cũ thành lập Phòng Nghiên cứu Con người và Môi trường cổ. Ban Đá cũ sát nhập với Ban Đá mới gọi là Phòng Nghiên cứu Khảo cổ học thời đại Đá.

Từ năm 2000 - 2004 cho đến nay, cơ cấu tổ chức của Viện được tăng thêm Phòng Kỹ thuật cổ, Phòng Thí nghiệm và Xác định niên đại, Phòng Khảo cổ học dưới nước.

Năm 2011, theo yêu cầu của nhiệm vụ đặc biệt, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành được thành lập trực thuộc Viện Khảo cổ học. Năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành của Viện được tách ra trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Ngày 27/2/2013, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ban hành Quyết định số 252/QĐ-KHXH quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện Khảo cổ học là: Nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khảo cổ học Việt Nam, nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam; Cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch và chính sách xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Tổ chức tư vấn và đào tạo sau đại học về Khảo cổ học; Tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hoá vật thể và phi vật thể Việt Nam.

Theo Quyết định này, hiện nay Viện Khảo cổ học có 13 Phòng với 07 phòng nghiên cứu khoa học: 1/Phòng nghiên cứu thời đại Đá; 2/Phòng nghiên cứu thời đại Kim khí; 3/Phòng nghiên cứu KCH Lịch sử; 4/Phòng nghiên cứu Con người và Môi trường cổ; 5/Phòng nghiên cứu Kỹ thuật cổ; 6/Phòng Khảo cổ học Dưới nước; 7/Phòng Xét nghiệm và xác định niên đại; 6 phòng chức năng, nghiệp vụ: 1/Phòng Tổ chức - Hành chính; 2/Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế; 3/Phòng Thông tin - Thư viện; 4/Phòng Vẽ và Phục chế; 5/Phòng Ảnh; 6/Phòng Biên tập - Trị sự. Tạp chí Khảo cổ học là cơ quan ngôn luận chính thức và duy nhất hiện nay của Viện Khảo cổ học và toàn ngành khảo cổ học Việt Nam.

Trong đào tạo, Viện Khảo cổ học nhiều năm liền là cơ sở đào tạo nguồn cán bộ có chất lượng cao cho khảo cổ học cả nước. Hiện nay, Khoa Khảo cổ học thuộc Học viện KHXH được thành lập với lực lượng thầy cô của Khoa chủ yếu là cán bộ giảng dạy của Viện do Viện trưởng Viện Khảo cổ học là Trưởng khoa. Trên 80 tiến sĩ khảo cổ học cả nước được đào tạo ở đây đã trở thành các cán bộ giữ trọng trách trong nhiều cơ quan nghiên cứu, quản lý và giảng dạy trên phạm vi cả nước. Cố GS. Trần Quốc Vượng (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng mệnh danh Viện Khảo cổ học là “lò luyện các tiến sỹ khảo cổ” (Khảo cổ học số 5/2004: 25-28).

Như vậy, từ Tổ lên Ban, từ Ban lên Phòng, từ 10 Tổ chuyên môn 7 nghiệp vụ lên 13 Phòng chuyên môn nghiệp vụ, từ đội ngũ chỉ khoảng vài chục cán bộ lên định biên 64 cán bộ, Viện Khảo cổ học được sự quan tâm của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, không ngừng lớn mạnh và phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Trong quá trình phát triển, Viện Khảo cổ học đã được sự quan tâm của nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn đầu thành lập, trong các giai đoạn 1968-1978, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đặc biệt quan tâm tới sự phát triển của khảo cổ học Việt Nam (Khảo cổ học số 2/1969: 22-24; Khảo cổ học số 1/1969: 5-14; Khảo cổ học số 4/1978: 35). Cuộc khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2002-2003 đã lần lượt đón hầu hết các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước đến thăm động viên và khích lệ Viện Khảo cổ học phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cuốn sách Vương triều Lý (1009 – 1226) thuộc Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”do Nhà xuất bản Hà Hội tổ chức thực hiện. Trên cơ sở tiếp thu những kết quả đã đạt được của rất nhiều học giả đi trước, nhóm biên soạn do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên đã tiến hành sưu tầm, tập hợp các nguồn tư liệu về tất cả các vấn đề liên quan đến vương triều Lý để đưa ra những nhận định khách quan, toàn diện hơn. Với phương pháp khoa học, cộng với sự tiếp thu tối đa những thành tựu lớn trong nghiên cứu về nhà Lý những năm gần đây, nhất là sau cuộc khai quật khảo cổ tại địa điểm 18 Hoàng Diệu.

Phần viết chính bao gồm 4 chương, trong đó chương thứ nhất dành viết riêng lề Lý Thái Tổ, từ nguồn gốc, dòng họ, quê hương, quá trình vận động thành lập vương triều, tổ chức triều đình, định đô Thăng Long cho đến những đánh giá về công lao, sự nghiệp của ông đối với vương triều và đất nước.

Chương thứ hai, tập trung nói về thời kỳ hưng thịnh của vương triều Lý với 5 đời vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, cùng với Lý Thái Tổ 20 năm đầu sáng nghiệp.

Chương thứ ba, dành viết riêng về 50 năm cuối của vương triều Lý (1176-1226) bao gồm 3 đời vua: Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng.

Chương bốn, đưa ra các nhận xét đánh giá về vương triều Lý trên các mặt tổ chức vương triều, củng cố thống nhất quốc gia, kháng chiến chống ngoại xâm, hoạt động ngoại giao, phát triển kinh tế.

Phần Phụ lục, cuốn sách tuyển chọn giới thiệu 30 bài báo viết về Vương triều Lý của các tác giả trong nước và quốc tế đã được đăng trong các tạp chí và kỷ yếu hội thảo khoa học.

 Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả quan tâm!

Ngô Thị Nhung

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDGVN) nằm trong khối liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Mục đích của Hội là “Sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa – văn nghệ dân gian các tộc người Việt Nam”. Cuốn sách thuộc Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa – văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”.

Biển Việt Nam có nhiều cảnh quan kỳ thú như Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang thơ mộng, có 20 bãi tắm nước trong, có gần 3000 hòn đảo lớn nhỏ. Cá ngoài biển có đến 2.000 loại, rừng ngập mặn có vô số thứ cây, dưới đáy biển có nhiều rong tảo. Đó là nguồn lợi để chúng ta phát triển kinh tế biển và nghiên cứu khoa học Hải Dương.

Nghiên cứu văn hóa biển là để tìm xem ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân miền Trung đã hoạt động, ứng xử với biển như thế nào trong quá trình làm ăn, chung sống, để từ đó tìm ra giải pháp khai thác tiềm năng của biển tốt hơn, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phạm vi của cuốn sách là tìm hiểu văn hóa biển miền Trung của người Kinh mà cụ thể là 14 tỉnh, thành ở ven biển gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và bình Thuận.

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung cuốn sách bao gồm 6 chương: 1/ Những vấn đề chung về biển; 2/ Văn học dân gian vùng biển miền Trung; 3/ Tục thờ phụng thần biển ở miền Trung; 4/ lễ hội, phong tục và dân ca vùng biển miền Trung; 5/ Các nghề biển truyền thống của ngư dân miền Trung; 6/ Văn hóa – du lịch biển miền Trung.

Xin trân trọng giới thiệu! 

Ngô Thị Nhung

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9027798
Số người đang online: 15