Văn hóa các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên: Truyền thống, biến đổi và các vấn đề đặt ra

Tác giả: Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Phương Châm, Hoàng Cầm, Phạm Quỳnh Phương, Trần Hoài, Đoàn Thị Tuyến
Năm xuất bản: 2019
Số trang: 476

Xét trên nhiều phương diện, Tây Nguyên (bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) là một vùng đất đặc biệt với đất nước ta. Tây Nguyên là nơi cư trú của nhiều tộc người, trong đó chủ yếu là người Kinh, các tộc người thiểu số tại chỗ và các tộc người thiểu số di cư đến theo chính sách cũng như di cư tự do. Do có sự đa dạng về tộc người như vậy nên bức tranh văn hóa vùng đất này cũng rất đa dạng và nhiều màu sắc. Mặc dù các tộc người thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên chỉ chiếm số lượng khiêm tốn (khoảng 25%) nhưng họ đã tạo dựng đời sống văn hóa đặc sắc giúp họ tồn tại và phát triển một cách bền vững. Vì vậy, nghiên cứu các thực hành văn hóa cổ truyền và hiện nay của các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên sẽ cung cấp cơ sở khoa học quan trọng trong việc nhìn lại Tây Nguyên, hiểu đúng về Tây Nguyên trong quá khứ và hiện nay để có những ứng xử phù hợp, những điều chỉnh cần thiết về chính sách và chương trình phát triển ở Tây Nguyên hiện nay.
Xuất phát từ những yêu cầu cấp bách đó, năm 2019, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn: “Văn hóa các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên: Truyền thống, biến đổi và các vấn đề đặt ra” của nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa (Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Phương Châm, Hoàng Cầm, Phạm Quỳnh Phương…). Bằng những phương pháp nghiên cứu mang tính hệ thống, cập nhật và đưa ra những luận cứ khoa học có độ tin cậy cao, nhóm tác giả tìm hiểu, phân tích, đánh giá quá trình biến đổi văn hóa của các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên, cũng như chỉ ra các hệ quả của sự biến đổi đó đối với đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của các tộc người thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên hiện nay. Trên cơ sở đó, xem xét và đánh giá vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững Tây Nguyên trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, qua đó cung cấp những luận cứ khoa học và những đề xuất, giải pháp thực tế và khả thi cho sự phát triển bền vững của Tây Nguyên.
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cuốn sách được kết cầu thành 3 chương:
Chương 1. Tổng quan về Tây Nguyên và tình hình nghiên cứu
Qua việc khái quát bối cảnh tự nhiên, kinh tế, dân cư và các chính sách phát triển khu vực Tây Nguyên, nhóm tác giả nhận thấy, đây là vùng đất có hệ sinh thái đặc trưng và đa dạng của rừng già, đất đỏ, của núi non, sông suối, biển hồ, của khí hậu nắng lửa, mưa ngàn,… đã không chỉ mang đến sự lãng mạn cho cảnh quan, không gian mà còn mang đến tiềm năng to lớn cho sự phát triển cho vùng đất này. Điểm qua tình hình nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, trên cơ sở khảo sát thực tế và khai thác tư liệu thứ cấp của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu trước đó, nhóm tác giả cho rằng, đã từ lâu vùng đất này được rất nhiều các nhà nghiên cứu dành sự quan tâm đặc biệt và tạo dựng nên những thành tựu nghiên cứu đồ sộ như: “Rừng người Thượng, vùng rừng núi cao nguyên miền Trung Việt Nam” của Henri Maitre (xuất bản lần đầu năm 1912); tác phẩm “Rừng, Đàn bà, Điên loạn: đi quan miền mơ tưởng Giarai” của J.Dournes; “Bài ca chàng Đăm Săn” của L.Sabatier; “Xứ người Mã lãnh thổ của thần linh” của Jean Boulbet, cùng nhiều công trình khác của các học giả Pháp, Mỹ và Việt Nam đã được khắc họa trong sự khẳng định tính đặc sắc và bí ẩn của các hiện tượng, yếu tố văn hóa đặc trưng như sử thi, luật tục, nghi lễ, phương thức sản xuất, trang phục, nhà rông… của từng tộc người ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo nhận định của nhóm nghiên cứu, văn hóa chưa được đặt vào vị trí như đáng ra nó phải có trong các chính sách phát triển Tây Nguyên và cũng có lẽ cách nhìn nhận về văn hóa trong nhiều chính sách hay dự án phát triển còn một chiều, có phần áp đặt, chủ quan nên chưa thể tạo ra được sự phát triển bền vững như mong muốn, thậm chí có chính sách hay dự án phát triển được triển khai với sự đánh giá thành công về mặt kinh tế song mang lại những hậu quả không mong muốn về văn hóa.
Chương 2. Văn hóa Tây Nguyên: truyền thống và hiện trạng
Phân tích về văn hóa cổ truyền Tây Nguyên, nhóm nghiên cứu tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Thứ nhất, đề cập đến sinh kế trong xã hội Tây Nguyên cổ truyền. Phân tích các dàn xếp văn hóa xã hội và kỹ thuật truyền thống được các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên xây dựng và thực hành hàng trăm năm nay để sinh tồn cũng như chỉ ra vai trò, chức năng của các dàn xếp xã hội và kỹ thuật này đối với sự phát triển bền vững của các tộc người; Thứ hai, quan tâm đến tôn giáo tín ngưỡng cổ truyền Tây Nguyên. Nhóm nghiên cứu xác định, tôn giáo là một thành phần hữu cơ gắn bó chặt chẽ với các thành tố khác của văn hóa Tây Nguyên, trong đó “RỪNG” có vị trí đặc biệt trong đời sống của người Tây Nguyên, đó là nơi trú ngụ của các vị thần, các linh hồn người chết. Những khu rừng được thiêng hóa với muôn vàn cấm kỵ kèm theo đã được hình thành từ những cảm quan mộc mạc đó, điều này thể hiện mối quan hệ sâu đậm giữa con người với môi trường tự nhiên. Thứ ba, tập trung vào các di sản văn hóa truyền thống Tây Nguyên, phân tích một số di sản nổi bật đã trở thành biểu tượng của văn hóa truyền thống Tây Nguyên như nhà rông, nhà dài, nhà mồ, tượng mồ và cồng chiêng. Những di sản này đã góp phần quan trọng tạo nên ấn tượng đẹp và hùng tráng về văn hóa Tây Nguyên và những di sản đó, ấn tượng đó vẫn hiện hữu cho đến hôm nay. Tuy nhiên với làn sóng di dân lên Tây Nguyên trong suốt bốn thập kỳ qua cùng với sự phát triển chung của xã hội đã khiến cho các di sản văn hóa ở Tây Nguyên thay đổi rất nhiều. Đây là những điều trăn trở và cũng là những thách thức mà nhóm tác giả chỉ ra trong nghiên cứu.
Phân tích về hiện trạng văn hóa Tây Nguyên, nhóm tác giả cho rằng, bóng dáng Tây nguyên cổ truyền đã không còn đậm nét bằng Tây Nguyên hiện đại, nhiều thực hành văn hóa cổ truyền chỉ còn trong ký ức. Tôn giáo ở Tây Nguyên hiện nay có sự đan xen, hội nhập tạo nên tính đa dạng và phức tạp. Các di sản văn hóa Tây Nguyên cũng không còn sống trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên như nó đã từng sống nữa, nhiều biểu tượng thiêng trong văn hóa Tây Nguyên đã suy giảm tính thiêng,.. Không chỉ vậy, nhóm nghiên cứu còn chỉ ra sự thay đổi ở cấu trúc xã hội, nhận thức xã hội và lối sống. Từ đó, nhóm nghiên cứu khẳng định, hiện trạng văn hóa Tây Nguyên hiện nay hết sức phức tạp với những sự biến đổi sâu sắc và đa chiều.
Chương 3. Biến đổi văn hóa và vấn đề phát triển bền vững Tây Nguyên
Chương này, nhóm tác giả bàn luận về vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của Tây Nguyên từ việc phân tích mối quan hệ mật thiết, mang tính hữu cơ, của các thành tố văn hóa trong chỉnh thể văn hóa hiện nay của Tây Nguyên và hệ quả của sự phá vỡ tính chỉnh thể này đối với sự phát triển bền vững của các tộc người nói riêng, của toàn vùng Tây Nguyên nói chung. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sự mai một, suy giảm và biến đổi của các di sản văn hóa ở Tây Nguyên đã trực tiếp làm suy giảm đa dạng văn hóa- một nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững của vùng này, tuy nhiên ở một góc nhìn khác thì văn hóa Tây Nguyên vẫn luôn là một dòng chảy, trong đó các di sản văn hóa nơi đây vẫn đang được bồi đắp theo nhiều cách khác nhau và tạo cho di sản văn hóa một “đời sống mới”, một phương thức tồn tại mới và một sức sống mới.
Trên cơ sở của nền tảng lý thuyết và kết quả nghiên cứu thực địa, nhóm tác giả có một số đề xuất, khuyến nghị nhằm nâng cao và phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển Tây Nguyên: (i) Thay đổi cách nhìn nhận đánh giá về văn hóa Tây Nguyên; (ii) Xóa bỏ định kiến về văn hóa Tây Nguyên và khơi gợi sự tự hào về giá trị văn hóa tộc người; (iii) Tôn trọng quyền văn hóa của người dân Tây Nguyên; (iv) Xóa bỏ định kiến với thực hành tôn giáo truyền thống; (v) Giảm thiểu các chương trình và chính sách làm suy giảm sự đa dạng văn hóa; (vi) Chỉnh sửa, bổ sung luật và các quy định pháp lý; (vii) Sử dụng cách tiếp cận nhạy cảm văn hóa trong chương trình phát triển; (viii) Đa dạng mô hình thay vì “một mô hình cho tất cả” trong các chương trình phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa; (ix) Tạo ra thể chế hiệu quả cho sự tham gia có ý nghĩa của người dân trong việc đưa ra các quyết sách; (x) Đổi mới cách quản lý, bảo vệ di sản ở Tây Nguyên để phát huy tối đa vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững.
Cuốn sách này được nhóm tác giả thực hiện hết sức công phu, nghiêm túc bằng phương pháp nghiên cứu định tính, điền dã dân tộc học, kết hợp giữa phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, quan sát tham gia và các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành khác, hy vọng sẽ mang đến cho độc giả những cách nhìn mới, những kiến thức cập nhật về thực hành văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên.
Xin trân trọng giới thiệu!
 
Theo Nhà xuất bản khoa học xã hội

Thư viện

- Tác giả: Ngụy Khắc Đản, dịch: Cao Việt Anh - Năm xb: 2019 - Nhà xuất bản: Đại học sư phạm - Số trang: 451tr - Khổ: 14,5 x 20,5cm
- Tác giả: Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu phát triển văn hóa Hùng Vương - Năm xb: 2023 - Nhà xuất bản: Khoa học xã hội - Số...
Tác giả: Paul Giran Dịch giả: Nguyễn Tiến Văn Nhà xuất bản: Hội nhà văn Số trang: 264 Kích thước: 14x20.5 cm
- Tác giả: Lê Thị Khánh Ly - Nxb: Khoa học xã hội - Năm xb: 2023 - Số trang: 311tr - Khổ: 16 x 24 cm
- Tác giả: Nhiều tác giả - Nxb: Kim Đồng - Năm xb: 2023 - Số trang: 183tr - Khổ: 20 x 23.5cm
- Tác giả: Nguyễn Linh Chi, Đặng Thị Thái Hà, Hoàng Thảo, Phạm Danh Việt dịch - Nxb: Tri Thức - Năm xb: 2023 - Số trang: 916 tr - Khổ: 16 x 24 cm
- Tác giả: George Soulie De Morant - Nxb: Mỹ Thuật - Năm xb: 2023 - Số trang: 381tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đỗ Trường Giang, Đổng Thành Danh, Bá Minh Truyền - Nxb: Thế Giới - Năm xb: 2021 - Số trang: 527tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Viên Như - Nxb: Hồng Đức - Năm xb: 2022 - Số trang: 335tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 7641050
Số người đang online: 17