Văn hóa Biển miền Trung Việt Nam
Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDGVN) nằm trong khối liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Mục đích của Hội là “Sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa – văn nghệ dân gian các tộc người Việt Nam”. Cuốn sách thuộc Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa – văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”.
Biển Việt Nam có nhiều cảnh quan kỳ thú như Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang thơ mộng, có 20 bãi tắm nước trong, có gần 3000 hòn đảo lớn nhỏ. Cá ngoài biển có đến 2.000 loại, rừng ngập mặn có vô số thứ cây, dưới đáy biển có nhiều rong tảo. Đó là nguồn lợi để chúng ta phát triển kinh tế biển và nghiên cứu khoa học Hải Dương.
Nghiên cứu văn hóa biển là để tìm xem ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân miền Trung đã hoạt động, ứng xử với biển như thế nào trong quá trình làm ăn, chung sống, để từ đó tìm ra giải pháp khai thác tiềm năng của biển tốt hơn, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phạm vi của cuốn sách là tìm hiểu văn hóa biển miền Trung của người Kinh mà cụ thể là 14 tỉnh, thành ở ven biển gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và bình Thuận.
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung cuốn sách bao gồm 6 chương: 1/ Những vấn đề chung về biển; 2/ Văn học dân gian vùng biển miền Trung; 3/ Tục thờ phụng thần biển ở miền Trung; 4/ lễ hội, phong tục và dân ca vùng biển miền Trung; 5/ Các nghề biển truyền thống của ngư dân miền Trung; 6/ Văn hóa – du lịch biển miền Trung.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung