Mộ thuyền Đông Sơn ở Việt Nam (10/10/2013)

Mộ thuyền Đông Sơn ở Việt Nam (10/10/2013)

 

 

Cơ quan soạn thảo: Từ điển Bách Khoa

Kích thước: 14x21cm

Hình thức bìa: Bìa cứng

Năm xuất bản: 2013

Địa chỉ liên hệ: 61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Số trang: 447

Tác giả: Bùi Văn Liêm; Biên tập: Bùi Thu Nguyệt; Lời giới thiệu: Cố PGS. Chử Văn Tần; Ký hiệu thư viện Khảo cổ học: Vb 2733, Vb2734

Quyển sách Mộ thuyền Đông Sơn Việt Nam ra mắt bạn đọc lần này dựa trên luận án tiến sĩ của tác giả bảo vệ năm 2000, có bổ sung, sửa chữa và nâng cao.

 Chương một,trình bày tổng quan tư liệu về địa lý nhân văn và tình hình phát hiện, nghiên cứu mộ thuyền văn hóa Đông Sơn. Đồng bằng châu thổ sông Hồng được hình thành gắn liền với quá trình khai phá - nơi đây thành một trung tâm văn hóa, văn minh rực rỡ trong thời đại Kim khí Việt Nam. Cư dân Đông Sơn mở rộng địa bàn cư trú xuống châu thổ sông Hồng tập trung ở hai khu vực đông bắc và đông nam sông Hồng, trên đất các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, thành phố Hà Nội và Nam Hà.

Chương hai, xác định một số đặc trưng cơ bản  mộ thuyền và thuyền mộ Đông Sơn Việt Nam: được chôn sâu trong vùng lầy, cạnh ao hồ hoặc các chân ruộng thấp vùng chiêm trũng, đôi khi có cọc tre ghìm định vị quan tài. Thuyền mộ được làm từ đoạn thân cây gỗ tròn hoặc gần tròn, trong khoét rỗng hình lòng máng, hai đầu chừa lại hoặc ghép thêm ván làm vách ngăn. Liên kết tấm thiên và tấm địa là những lỗ chốt hoặc mộng khớp, đôi khi lắp thêm các tay khiêng ở 4 góc quan tài. Tử thi trong mộ được khâm liệm trong những tấm vải hoặc chiếu cói, được đặt nằm ngửa, đầu gối cao, chân tay duỗi thẳng. Đồ tùy táng là di vật điển hình của văn hóa Đông Sơn, ngoài ra ở các mộ muộn có di vật do giao lưu, trao đổi.

Chương ba, tập trung xác định niên đại, các giai đoạn phát triển, chủ nhân và phác dựng cuộc sống cư dân mộ thuyền Đông Sơn. Dựa vào cấu trúc quan tài thuyền, những hiện vật chôn theo và một số kết quả phân tích niên đại C14, công trình cho rằng, mộ thuyền Đông Sơn Việt Nam có niên đại từ thế kỷ VI tr. CN đến thế kỷ II s.CN. Giai đoạn sớm (thế kỷ VI-IV tr. CN) tiêu biểu là mộ Việt Khê, Châu Can, Lật Phương và Trại Sơn… quan tài là đoạn cây gỗ tròn hoặc gần tròn, khét rỗng, đồ tùy táng điển hình văn hóa Đông Sơn. Giai đoạn giữa (thế kỷ I, II tr.CN) tiêu biểu là các mộ Phú Lương, Phương Tú, Kim Đường…, quan tài đoạn cây gỗ gần tròn, khoét rỗng, ngoài đồ đồng Đông Sơn xuất hiện nhiều đồ mây tre đan và một số hiện vật ngoại lai. Giai đoạn muộn (thế kỷ I, II sau CN), quan tài hình lục giác, gần lục giác, đồ đồng Đông Sơn ít, hiện vật ngoại lai nhiều, xuất hiện đồ minh khí và đồ mây tre đan, tiêu biểu là mộ Xuân La, Yên Từ, Động Xá…

Những cốt sọ tìm thấy trong mộ thuyền Đông Sơn thường khá nguyên vẹn, thuộc loại hình Đồng Nam Á hoặc Indonesien, cùng đặc điểm nhân chủng tồn tại trong các di tích Tiền Đông Sơn trước đó ở Việt Nam. Cùng với sự hiện diện của di vật văn hóa Đông Sơn trong mộ thuyền, nhất là giai đoạn sớm, đã xác nhận chủ nhân các mộ thuyền Đông Sơn là người Việt cổ, có nhiều điểm thuộc nhóm loại hình Đường Cồ ở châu thổ Bắc Bộ.    

Nghiên cứu thuyền mộ, mộ thuyền và các di vật chôn theo, công trình cho rằng, chủ nhân mộ thuyền Đông Sơn là những người làm nông nghiệp, trồng lúa nước, trồng rau màu, chăn nuôi gia cầm và khai thác thủy hải sản vùng sông nước. Các hoạt động thủ công như luyện kim, chế tác đồ đồng, đồ sắt; các nghề mộc, nghề sơn, chế tác đá, làm gốm, se sợi, dệt vải, dệt chiếu cói và đan lát đồ mây tre đã khá phát triển. Chủ nhân các mộ thuyền là những người hoàn toàn làm chủ sông nước, chế tạo và vận hành hết sức năng động các phương tiện giao thông trên sông nước. Văn hóa ứng xử của con người trong các táng thức mộ thuyền đậm tính nhân văn, cả trong sự tương thích và sáng tạo của con người với môi trường.   

Chương bốn, đánh giá giá trị lịch sử văn hóa của mộ thuyền Đông Sơn trong bối cảnh rộng hơn. Mộ thuyền Đông Sơn Việt Nam là di sản văn hóa của người Việt cổ vùng đồng bằng sông Hồng. Cùng với mộ thuyền Đông Sơn, ở Việt Nam còn nhiều kiểu mộ táng khác, có mộ là của người Việt, có mộ của người Hán, cũng có mộ người Việt bị Hán hóa hoặc ngược lại. Song mộ thuyền Đông Sơn vẫn lưu lại di ảnh đậm nét trong táng thức mộ tang của người Mường, vốn là người Việt cổ mới tách khỏi khối cộng đồng Việt Mường chung vào khoảng thế kỷ IX-X mà thôi.

Mộ thuyền tồn tại rộng khắp Đông Nam Á và Nam Trung Quốc, có niên đại từ thiên niên kỷ I tr.Cn đến gần đây. Song mộ thuyền Đông Sơn vẫn có những đặc thù được thể hiện ở thuyền mộ vốn là thân cậy khoét rỗng đơn sơ, gần gũi với con thuyền vùng sông nước. Những mộ thuyền này tồn tại duy nhất ở vùng đồng bằng lầy trũng vùng Bắc Bộ Việt Nam. Ở đó, trong nhiều thế kỷ vẫn bảo lưu truyền thống hung táng, bảo lưu truyền thống ứng xử văn hóa cộng đồng, dành cho mọi thành viên trong cộng đồng người Việt.

Phần tạm kết, tác giả đã đưa ra một số nhận xét, mộ thuyền là một trong số táng thức độc đáo, tiến bộ của cư dân văn hóa Đông Sơn ở giai đoạn phát triển cao của nền văn minh Việt cổ, gắn liền với quá trình chinh phục và dần làm chủ vùng đồng bằng thấp, lầy trũng sông Hồng. 

Là một thành tố của văn hóa Đông Sơn, mộ thuyền Đông Sơn đã kết tinh văn hóa ứng xử của con người với con người đậm tính nhân văn, của con người với môi trường sông nước vùng đồng bằng thấp, lầy trũng sông Hồng và của con người với xã hội Đông Sơn đầy biến động trong sự giao thoa, tiếp biến văn hóa của khu vực./.

 

 

Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9038380
Số người đang online: 16