Gốm vẽ nhiều màu Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Châu Á thế kỷ XV

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia đầu tiên ở châu Á sản xuất đồ gốm hoa lam và đồ gốm vẽ nhiều màu. Ý tưởng của phát minh đồ gốm hoa lam được bắt nguồn từ màu men xanh quyến rũ phủ trên những chiếc bình gốm xốp của người Hồi giáo vùng Tây Á mà họ đã đem sang thị trường châu Á qua con đường giao lưu thương mại biển diễn ra từ thời Đường (618-907). Sau đó, người Trung Quốc đã nhập men xanh của người Hồi và dùng nó để vẽ hoa văn trên đồ gốm trước khi phủ men và đem nung, từ đó họ đã sáng chế ra loại gốm hoa lam đầu tiên tại lò Trường Sa (tỉnh Hồ Nam). Nhưng phải đến thời Nguyên (thế kỷ 14), những đồ gốm hoa lam đích thực và hoàn hảo mới được ra đời từ các lò gốm ở vùng Cảnh Đức Trấn (tỉnh Giang Tây) (S.T.Yeo & Jean Martin 1978; Bùi Minh Trí - Kerry Nguyễn Long 2001).
Trong cùng bối cảnh đó, vào cuối thời Trần (đầu thế kỷ 14), lò gốm Thăng Long cũng bắt đầu sản xuất đồ gốm hoa lam, tuy chất lượng của nó chưa thể sánh vai với đồ sứ hoa lam Trung Quốc. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, gốm hoa lam Việt Nam đã nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu rất đáng kể. Nó không những được sản xuất rộng rãi cho thị trường nội địa mà còn là mặt hàng xuất khẩu trong cùng bối cảnh với đồ sứ Trung Quốc sang thị trường Đông Nam Á, Đông Á và các nước vùng Tây Á xa xôi. Đặc biệt, từ thế kỷ 15, dưới triều đại Lê sơ (1428-1527), sau khi thoát khỏi ách thống trị của nhà Minh (1407-1427), ngành công nghệ chế tạo gốm Việt Nam thực sự phát triển cả về qui mô và chất lượng sản phẩm. Đây chính là thời kỳ gốm hoa lam Việt Nam thăng hoa, đạt đến đỉnh cao của sự hoàn mỹ cả về hình dáng và hoa văn trang trí (Bùi Minh Trí - Kerry Nguyễn Long 2001).
Trong thời đại hoàng kim đó, đồ gốm hoa lam Việt Nam bắt đầu nâng tầm lên đỉnh cao của sự hoàn hảo bằng phương thức trang trí mới. Đó là việc đưa công nghệ vẽ nhiều màu trên men vào gốm hoa lam, tạo cho đồ gốm hoa lam có nhiều màu sắc hơn, mang vẻ đẹp quyền quý, cao sang hơn mà hiếm có dòng gốm nào có thể sánh được. Những sản phẩm gốm này được xem là một trong những dòng gốm sứ đẹp và quý hiếm, được gọi chung là Gốm vẽ nhiều màu.
Gốm vẽ nhiều màu sử dụng hai loại màu chính là màu vẽ dưới men (men nặng lửa) và màu vẽ trên men (men nhẹ lửa). Màu vẽ dưới men là màu xanh lam được vẽ phác họa lên sản phẩm rồi phủ men, sau đó đưa vào lò nung thành đồ gốm hoa lam. Màu vẽ trên men là những màu được vẽ tiếp ở các phần mẫu phác họa màu lam dưới men trước đó bằng các men màu sắc khác nhau (xanh, đỏ, vàng), sau đó đem nung lần 2 với nhiệt độ thấp để màu bám chặt lên men. Hoa văn màu lam dưới men và các đường nét trang trí nhiều màu trên men được kết hợp tinh tế, hài hòa, tạo thành tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Từ thành công của phát minh này, các thợ gốm Việt Nam đương thời tiếp tục sáng tạo ra loại gốm vẽ hoàn toàn bằng nhiều màu sắc trên men như lối vẽ trên đồ gốm hoa lam mà không kết hợp với việc vẽ màu xanh lam dưới men. Từ phân tích công nghệ này có thể thấy, gốm vẽ nhiều màu Việt Nam có hai loại chính: Loại thứ nhất là vẽ hoa lam dưới men và vẽ men đỏ, men xanh lục và vàng trên men; Loại thứ hai chỉ vẽ men đỏ, men xanh lục và vàng trên men, không vẽ lam dưới men.
Vì hoa văn màu lam vẽ dưới men và các trang trí trên men dường như hòa hợp lại, tạo vẻ đẹp độc đáo riêng biệt cho loại gốm đặc biệt này nên người Trung Quốc gọi là Doucai (Đấu thái). Người Nhật Bản sử dụng thuật ngữ Iroe (vẽ trên men) để nói đến kỹ thuật vẽ men màu lên trên đồ gốm hoa lam như dòng gốm Kakiemon[1] nổi tiếng. Các học giả phương Tây và châu Âu thường dùng thuật ngữ tiếng Anh là gốm nhiều màu (polychrome) hay vẽ trên men (enamel) khi mô tả các loại gốm vẽ nhiều màu (John Stevenson - John Guy 1997).
Thuật ngữ gốm nhiều màu (polychrome) nêu trên mang tính chất chung chung, chưa phản ánh được bản chất, bao hàm sự lẫn lộn giữa gốm men nhiều màu và gốm vẽ nhiều màu men. Thuật ngữ này chỉ phù hợp khi dùng để phân biệt với loại gốm đơn sắc (monochrome), tức là loại gốm có một màu men (men trắng, men ngọc, men nâu, men vàng). Những đồ gốm được phủ 3 màu men hay 5 màu men được gọi là gốm nhiều màu. Do đó, nếu sử dụng thuật ngữ gốm nhiều màu, ta sẽ không có sự phân biệt về kỹ thuật học cũng như lịch sử ra đời và phát triển của loại gốm phủ nhiều men màu và loại gốm vẽ hoa văn bằng nhiều màu men (hay gọi là gốm vẽ nhiều màu). Theo lịch sử gốm sứ Trung Quốc, thì gốm nhiều màu (tam thái, ngũ thái) đã có từ thời Đường (618-907), nhưng gốm vẽ nhiều màu men (đấu thái) thì đến đời Thành Hóa triều Minh (1465-1487) mới bắt đầu sản xuất tại lò Cảnh Đức Trấn (National Palace Museum 2007: 85-89; Li Zhiyan and Cheng Wen 1996: 71-96). Theo đó, khái niệm gốm nhiều màu ở đây cần hiểu là nói đến những loại gốm được phủ hoặc tô điểm nhiều màu men trên cùng sản phẩm, giống như gốm Trung Quốc thời Đường hay gốm Bát Tràng thời Nguyễn. Gốm vẽ nhiều màu về kỹ thuật và nghệ thuật nó hoàn toàn khác về bản chất so với loại gốm nhiều màu. Bởi trước hết đây là loại gốm được vẽ trang trí hoa văn bằng bút lông và được đưa vào lò nung hai lần chứ không phải là loại gốm được phủ men, nung một lần để tạo thành những mảng màu trang trí.
Làm rõ khái niệm trên chính là để chúng ta có cơ sở khoa học hơn trong việc nghiên cứu đánh giá về thành tựu công nghệ chế tác đồ gốm, cũng như nhận diện rõ hơn về đặc trưng nghệ thuật và lịch sử phát triển đồ gốm Việt Nam.
Gốm vẽ nhiều màu Việt Nam tuy đã được giới thiệu trong một số công trình nghiên cứu, nhưng chưa bao giờ được xem là một dòng gốm riêng biệt mà thường được đặt trong cùng bối cảnh đồ gốm hoa lam. Do đó, sự hiểu biết về lịch sử và sự phát triển của gốm vẽ nhiều màu Việt Nam còn chưa đầy đủ và có rất nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật, nghệ thuật, niên đại, nguồn gốc và vai trò của nó trong đời sống văn hóa xã hội đương thời.
Kết quả nghiên cứu đồ gốm khai quật được tại Hoàng thành Thăng Long trong những năm 2002-2004 và 2008-2009 đã cung cấp thêm nhiều tư liệu mới quan trọng, minh chứng thuyết phục về nguồn gốc, niên đại và kỹ thuật sản xuất đồ gốm vẽ nhiều màu Việt Nam. Theo đó, dựa trên kết quả nghiên cứu hệ thống tư liệu từ các sưu tập gốm Việt Nam phát hiện được tại các di tích khảo cổ học hay trong các sưu tập bảo tàng và tư nhân nổi tiếng ở trong và ngoài nước cùng ký sự đương thời, bài viết này sẽ giới thiệu tổng quan về gốm vẽ nhiều màu Việt Nam cùng những phân tích sâu hơn về niên đại, nguồn gốc và những thành tựu nổi bật về công nghệ chế tạo cũng như vai trò của nó trong đời sống văn hóa xã hội đương thời với hy vọng góp phần nâng cao sự hiểu biết về lịch sử và nghệ thuật gốm sứ Việt Nam.
(Than Hang theo Tạp chí KCH số 1/2021)
 
[1] Kakiemon là tên một người làm gốm nổi tiếng đã phát minh ra đồ sứ tráng men ở Nhật Bản vào giữa thế kỷ 17 ở Arita trong tỉnh Hizen. Tác phẩm của ông cũng như những sản phẩm làm theo phong cách của ông đều được gọi theo tên ông. Sản phẩm nổi tiếng của Kakiemon là loại đồ sứ vẽ nhiều màu trên men với sắc màu rạng rỡ, gồm màu đỏ, màu vàng, màu xanh lá cây và màu xanh tím (xem thêm Noritake Tsuda, 1990: Sổ tay Nghệ thuật Nhật Bản, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội).

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9036726
Số người đang online: 19