Chămpa và khảo cổ Mỹ Sơn (25/11/2009)
Chămpa và khảo cổ Mỹ Sơn (25/11/2009)
Thứ năm, 26 Tháng 11 2009 11:04
Champa and the Archaeology of Mỹ Sơn (Vietnam)
Một tập sách khoa học về "Chămpa và khảo cổ ở Mỹ Sơn" vừa được giới chuyên gia trong vùng xuất bản với lời đề tặng "để tưởng nhớ Kazimierz Kwiatkowski".
Bộ sách tiếng Anh do sử gia Andrew Hardy từ Trường Viễn đông Bác cổ ở Hà Nội biên soạn, Đại sứ quán Ý tại Việt Nam tài trợ và Đại học quốc gia Singapore xuất bản.
Đặt công trình khảo cổ quần thể thánh địa Mỹ Sơn trong bối cảnh văn hóa Chămpa và lịch sử quan hệ Đại Việt - Chămpa, các nhà khoa học đã vượt khỏi không gian cổ điển của kiến trúc và khảo cổ, phục chế.
Dấu ấn hiện đại cũng được ghi nhận qua ba sự kiện lớn: sự phát hiện của các nhà thám hiểm người Pháp hồi đầu thế kỷ, công lao gìn giữ của KTS người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski sau ngày kết thúc cuộc chiến, và hiện nay là những đóng góp về tài chính của Đại sứ quán Ý tại Việt Nam.
Giá trị lớn nhất của công trình khoa học này là lần đầu tiên giới thiệu đến với thế giới tiếng Anh một tập sách thuộc loại đầy đủ và toàn diện nhất về nền văn hóa Chămpa.
Bên cạnh những bài giới thiệu tổng quát tiến trình lịch sử và lịch sử nghiên cứu là những bài trình bày các nghiên cứu mới nhất, như phát hiện được đánh giá cao của chuyên gia Rie Nakamura từ Đại học Utara của Malaysia, về Awar và Ahier.
Sử dụng phương pháp dân tộc ký điền dã của ngành nhân học, Rie Nakamura nhận định hai khái niệm gốc Ảrập này chính là cặp phạm trù giúp hiểu thế giới văn hóa và tâm linh của người Chăm ở Ninh Thuận, cộng đồng người mà nay vẫn còn duy trì các hoạt động văn hóa có liên quan đến các quần thể tháp Chàm tương tự như ở Thánh địa Mỹ Sơn.
Anwar và Ahier có thể là nam và nữ, cũng từng là trước và sau, cao thấp, nóng lạnh, lửa và nước, và trong một số trường hợp còn là cả linga và yoni, cặp biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực và Hinduism.
Điểm khác biệt giữa văn hóa người Chăm và người Việt được Andrew Hardy nhấn mạnh, rằng hoạt động kinh tế của họ không phải là nông nghiệp, mà là kinh nghiệm về giao thông cả trên biển lẫn trên bộ và vùng núi, mua bán trao đổi hàng hóa, mà Hội An hay tên khác là Cửa Đại Chiêm là một trong số những cảng lớn.
Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới
Nghệ thuật và những giao thoa khu vực của văn hóa Chăm cũng được chuyên gia John Guy từ Bảo tàng nghệ thuật đô thị ở New York điểm qua, bên cạnh bài giới thiệu về kiến trúc Chăm của chuyên gia Trần Kỳ Phương.
Là một trong số những người gắn bó với các công trình khảo cổ Chămpa trong những năm 1980s, chuyên gia Hoàng Đạo Kính đã điểm lại những công việc mà phái đoàn Ba Lan do TS Kazimierz Kwiatkowski thực hiện, tạo bước đệm cho những nghiên cứu sau này của phái đoàn Ý do chuyên gia Patrizia Zolese bắc cầu.
"Dự án phục chế Mỹ Sơn" được khởi xướng từ năm 1997, giúp đưa địa danh này vào danh sách Di sản văn hóa thế giới năm 1999, mà tài trợ về tài chính chủ yếu trong nhiều giai đoạn đến từ Bộ ngoại giao Ý, theo lời dẫn của Đại sứ Ý tại Việt Nam, Alfredo Matacotta Cordella.
Tập sách "Champa and the Archaeology of Mỹ Sơn (Vietnam)" do Andrew Hardy, Mauro Cucarzi và Patrizia Zolese đồng biên soạn, NXB Đại học quốc gia Singapore vừa mới phát hành trong năm 2009.
- 26/11/2009 11:17 - Hoàng thành Thăng Long (Thang long Imperial Citadel) (25/11/2009)
- 26/11/2009 11:15 - Khảo Cổ Học Tiền Sử Và Sơ Sử Sơn La (25/11/2009)
- 26/11/2009 11:12 - Tiền sử và sơ sử Tuyên Quang (25/11/2009)
- 26/11/2009 11:10 - Di tích lịch sử- khảo cổ học Hắc Y (25/11/2009)
- 26/11/2009 11:06 - Thạp đồng Đông Sơn (25/11/2009)
- 26/11/2009 11:02 - Nghiên cứu chữ viết cổ trên bia ký ở Đông Dương (26/11/2009)
- 26/11/2009 11:01 - Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2005 (26/11/2009)
- 26/11/2009 10:57 - Những Điều Kỳ Thú Về Khảo Cổ - Vũ Trụ (26/11/2009)
- 26/11/2009 10:55 - Khảo Cổ Học Vùng Duyên Hải Đông Bắc Việt Nam (26/11/2009)
- 26/11/2009 10:53 - Các di tích hậu kỳ đá cũ và sơ kỳ đá mới ở Quảng Tây Trung Quốc trong mối quan hệ với Bắc Việt Nam (26/11/2009)