Cao Bằng thời Tiền sử và Sơ sử (07/08/2012)

Cao Bằng thời Tiền sử và Sơ sử (07/08/2012)

 

 

Cơ quan soạn thảo: Viện Khảo cổ học

Kích thước: 16 x 24 cm

Hình thức bìa: Bìa mềm

Năm xuất bản: 2012

Số trang: 447

Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới Đông Bắc nước ta, là một vùng cao nguyên núi non trùng điệp, đất rộng người thưa, địa hình đa dạng, hai mặt Đông và Bắc tiếp giáp với nước Trung Quốc láng giềng.

Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới Đông Bắc nước ta, là một vùng cao nguyên núi non trùng điệp, đất rộng người thưa, địa hình đa dạng, hai mặt Đông và Bắc tiếp giáp với nước Trung Quốc láng giềng.

Là một vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hiến, Cao Bằng còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử - văn hóa cần được khám phá và nghiên cứu.

Ngay từ rất sớm, vào những thập kỷ 20 của thế kỷ trước, các học giả người Pháp như  H. Mansuy và M. Colani đã phát hiện và thu thập được một số di tích, di vật khảo cổ ở Quảng Uyên, Sóc Giang, Phiên Lương, Phúc Dương, Đông Khê, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Tà Sa, Bản Giốc… Đây là những bước mở đầu của các nhà khoa học trên dặm dài phám phá, nghiên cứu văn hóa thời Tiền sử Cao Bằng.

Sau những hoạt động khởi đầu đó, công việc nghiên cứu khảo cổ học Cao Bằng rơi vào tình trạng tạm ngừng khá dài. Thế rồi, khoảng hơn hai thập niên trở lại đây, liên tiếp có những phát hiện khảo cổ học quan trọng trên mảnh đất Cao Bằng gây sự chú ý của giới khoa học lịch sử nước nhà.

Đến nay, Cao Bằng đã phát hiện gần 30 di chỉ khảo cổ học thời tiền sử và sơ sử, trong đó có gần 10 di chỉ đã được khai quật hoặc đào thám sát. Hàng chục di tích chứa di tích bếp, mộ táng cùng hàng nghìn công cụ lao động bằng đá, đồng, mảnh gốm. Đây là nguồn sử liệu vật thật quan trọng cho phép phác dựng bức tranh Cao Bằng thời Tiền sử - Sơ sử.

Cuốn sách Cao Bằng thời Tiền sử và Sơ sử là một chuyên khảo viết công phu, nghiêm túc, tổng kết toàn bộ thành tựu phát hiện, nghiên cứu về khảo cổ học Tiền - Sơ sử Cao Bằng từ trước đến nay. Nhờ đó, diện mạo văn hoá thời tiền - sơ sử Cao Bằng đã hiện ra ngày càng rõ nét trong bối cảnh thời tiền sử Việt Nam và khu vực. Điều này rất hữu ích cho giới nghiên cứu khi muốn tìm hiểu về đất nước, con người Cao Bằng từ xa xưa đến nay.

Trong số các nhà khảo cổ tận tâm, gắn bó và lăn lộn nhiều với miền núi phía Bắc Việt Nam có PGS.TS. Trình Năng Chung, tác giả của cuốn sách này. Trong vài thập niên trở lại đây, cùng với các đồng nghiệp của mình, tác giả đã dành nhiều tâm sức và trí lực tiến hành nhiều đợt điều tra, khảo sát, khai quật và nghiên cứu các di tích khảo cổ tiền sử và sơ sử trên đất Cao Bằng.

Qua công trình sách, tác giả đã nêu rõ được những đặc trưng cơ bản của văn hoá Tiền sử Cao Bằng. Có những đặc điểm chung của văn hoá Tiền sử khu vực miền núi phía Bắc, có những đặc điểm riêng chỉ Cao Bằng mới có, như là nơi gặp gỡ, giao thoa của hai văn hoá Hoà Bình và văn hoá Bắc Sơn, văn hoá Hà Giang và văn hoá Mai Pha.

Trong số những phát hiện và nghiên cứu trên, đáng chú ý là một số phát hiện quan trọng có liên quan đến các giai đoạn tiền sử lớn: Phát hiện đá cũ ở Trường Hà, huyện Bảo Lạc hay ở địa điểm Bó Mạ, huyện Hòa An góp phần sáng tỏ tính đa dạng của thời đại đá cũ trên đất nước ta. Hay những cuộc khảo sát ở hang Thần, hang Ngườm Vài, huyện Thông Nông đã hé mở con đường “Bắc Sơn hóa” của những di tích đá mới sơ kỳ trên đất Cao Bằng.

Cho đến nay, khảo cổ học thời đại Đá Cao Bằng khá phong phú, trong khi tài liệu về thời đại Kim khí còn nhiều hạn chế. Điều này cho thấy còn nhiều việc phải làm  đối với việc nghiên cứu di sản văn hoá của cha ông ta trên mảnh đất Cao Bằng.

Mặc dù chúng ta còn đòi hỏi nhiều ở công trình nghiên cứu có tính tích hợp cao hơn, nhưng những gì mà cuốn sách trình bày đã hàm chứa nhiều giá trị khoa học, đóng góp vào nhận thức văn hóa Tiền sử ở Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung. Quan trọng hơn cả là những giá trị nghiên cứu đó là cơ sở khoa học cho việc trưng bày Bảo tàng tỉnh, cung cấp những tư liệu tin cậy cho việc biên soạn lịch sử, địa chí của Cao Bằng. Đây cũng là thành tựu lớn trong việc hợp tác nghiên cứu nhiều năm giữa Viện Khảo cổ học và Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Cao Bằng.

Với lòng trân trọng di sản văn hóa dân tộc, tôi tin rằng cuốn sách sẽ mang đến nhiều điều bổ ích, giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về vùng đất Cao Bằng giàu truyền thống văn hóa lịch sử và tiềm năng phát triển.

Vì lẽ đó, tôi vui mừng giới thiệu với rộng rãi bạn đọc cuốn sách này.

 

                                                            PGS. Hoàng Xuân Chinh

                                                     Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam

                                       Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thư viện

- Tác giả: George Soulie De Morant - Nxb: Mỹ Thuật - Năm xb: 2023 - Số trang: 381tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đỗ Trường Giang, Đổng Thành Danh, Bá Minh Truyền - Nxb: Thế Giới - Năm xb: 2021 - Số trang: 527tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Viên Như - Nxb: Hồng Đức - Năm xb: 2022 - Số trang: 335tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Vũ Huyễn Trang - Nxb: Thế giới - Năm xb: 2022 - Số trang: 266 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Marcel Bernanose - Nxb: Mỹ Thuật -Năm xb: 2023 - Số trang: 238 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đại úy hải quân Francis Garnier, Nguyễn Minh dịch và chú giải - Nxb: Đại học Sư phạm - Năm xb: 2023 - Số trang: 848 - Khổ: 18.5 x 26.5...
- Tác giả: Trần Minh Nhựt - Nxb: Dân Trí -Năm xb: 2022 - Số trang: 261 - Khổ: 20.5 x 27.5 cm - Bìa: mềm
- Tác giả: Đinh Khắc Thuân - Nxb: Đại học Quốc gia Hà Nội - 2021 - Số trang: 752 tr - Khổ sách: 16x24tr - Hình thức bìa: cứng
- Tác giả: Nguyễn Tuấn Cường - Nxb: Khoa học xã hội - 2020 - Số trang: 522 tr - Khổ sách: 16x24tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 7591777
Số người đang online: 21